Tham dự cuộc làm việc có đại điện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ…; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.
Về phía tỉnh Bắc Kạn, tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía tỉnh Cao Bằng, tham dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động, điều hành linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, tăng trưởng, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng năm 2024 ước tăng 7%; với mức tăng 7% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cao Bằng đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024. Tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo, quốc phòng - an ninh được bảo đảm.
Về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn giải ngân tính đến nay là 1.018.616 triệu đồng, đạt 28,67% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, hạn chế: tình hình thiên tai, bão lũ,... diễn biến phức tạp, đặc biệt là bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đề nghị hướng dẫn cụ thể hồ sơ thanh toán về việc hỗ trợ trang thiết bị cho người dân hoặc đơn vị chủ trì liên kết thực hiện chuỗi giá trị. Sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại quá thấp đối với người học nghề so với thực tế hiện nay. Xem xét quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai…
Tỉnh cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai từng dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, và các bộ, ngành liên quan, xem xét, hỗ trợ cho tỉnh khắc phục thiệt hại thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, sửa chữa, khắc phục nhanh cơ sở hạ tầng nhằm khôi phục phát triển kinh tế.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III năm 2024 đạt 7,96%, xếp thứ 9 trong vùng trung du miền núi phía Bắc, xếp thứ 28 so với cả nước. Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,84% xếp thứ 12 trong vùng trung du miền núi phía Bắc, xếp thứ 37 so với cả nước; tăng trưởng chủ yếu trong ngành dịch vụ,
Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 5.700 người lao động, đạt 89% kế hoạch. Các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển, tạo sinh kế cho người dân được quan tâm triển khai thực hiện.
UBND tỉnh đã chủ động, tích cực chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ những ngày đầu năm 2024; ban hành kế hoạch thực hiện, kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.
Tỉnh đã giao chi tiết 100% kế hoạch vốn, dự toán năm 2024 cho các đơn vị, địa phương; chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị cam kết tiến độ giải ngân; đồng thời phê duyệt/chấp thuận tiến độ cam kết thực hiện giải ngân kế hoạch vốn, dự toán năm 2024 của các chủ đầu tư, đơn vị. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 đến ngày 27/9/2024 đạt 278 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đạt trên mức giải ngân bình quân chung của cả nước.
Về tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất. Trong tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra rất nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh, đã gây thiệt hại làm 04 người bị thương; 2.219 nhà ở bị ảnh hưởng và thiệt hại do sạt lở ta luy âm dương, tốc mái, ngập nước… Luỹ kế từ đầu năm thiệt hại từ các đợt thiên tai trên địa bàn tỉnh khoảng 986,402 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức khắc phục hậu quả sau bão, ổn định tình hình, đời sống cho Nhân dân.
Trong 9 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương, chủ động, linh hoạt, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa thực sự khai thác hiệu quả các động lực, thế mạnh để phát triển; sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, hợp tác xã còn gặp một số khó khăn...
Tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ khó khăn cho tỉnh liên quan đến nhiều nội dung như: thực hiện thủ tục đất đai đối với dự án khai thác, chế biến khoáng sản; rà soát tiêu chí quy định về rừng tự nhiên; ban hành thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ thanh tra, quy trình xác minh tài sản, thu nhập; tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp…. Tỉnh cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai từng dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành liên quan đã chia sẻ, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn về hệ thống văn bản pháp lý, thông tư hướng dẫn; các chính sách về y tế, giáo dục, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều cơ chế chính sách đặc thù triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cho đời sống Nhân dân, đặc biệt là những nỗ lực của các tỉnh trong việc khắc phục hậu quả của bão số 3, ổn định đời sống Nhân dân. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các tỉnh về các nội dung làm việc với Đoàn công tác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị, từ nay đến cuối năm 2024, các tỉnh cần tập trung làm tốt công tác quán triệt, cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Rà soát kỹ, tổng hợp các thiệt hại do thiên tai, nhất là cơn bão số 3 gây ra, tập trung khắc phục để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân; quan tâm hoàn thiện cơ chế mang tính căn cơ, lâu dài về cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều loại hình thiên tai, hậu quả tàn khốc hơn, đặc biệt đối với khu vực các tỉnh miền núi. Về vấn đề khôi phục sản xuất, các tỉnh cần hết sức quan tâm phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương để tăng thu, giải quyết việc làm cho Nhân dân.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết Đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến kiến nghị của các tỉnh để tổng hợp, tham mưu, tháo gỡ kịp thời.