Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến dự khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018

PV - 16:42, 18/11/2018

Sáng 18/11, tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi Lễ khai mạc.

Tới dự buổi Lễ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến;  Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng đông đảo đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018) và kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11); tôn vinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc ta được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là hình thức sinh hoạt cộng đồng thiết thực, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng của các dân tộc. "Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Phát huy đoàn kết là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam, được khẳng định qua các giai đoạn lịch sử. Đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực quan trọng và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội là dịp để ôn lại và phát huy truyền thống đại đoàn kết của nhân dân ta. Là dịp tổng kết và phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thiết thực như "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "cả nước chung tay vì người nghèo", "biểu dương và tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng".

Nhân dịp này, Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào vững tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Động viên đồng bào nỗ lực phấn đấu  hăng say lao động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua trong đồng bào các dân tộc. Thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh những tấm gương tốt, có nhiều đóng góp thiết thực trong phong trào thi đua, trong củng cố và tăng cường đại đoàn kết các dân tộc. Qua đó, nhân lên những mô hình phù hợp với đặc thù vùng miền, dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tham quan khu trưng bày ẩm thực của các làng dân tộc Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn  thăm  quan khu trưng bày ẩm thực của các làng dân tộc.

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2018 diễn ra từ ngày 18 - 23/11/2018 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của 14 cộng đồng dân tộc đến từ 13 tỉnh, thành phố; 140 đồng bào đại diện cho các gia đình, Người có uy tín, các chức sắc tôn giáo; 35 em sinh viên người dân tộc thiểu số.

Với chuỗi các sự kiện giao lưu văn hóa vùng miền, các hoạt động dân ca dân vũ, giới thiệu nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc, tái hiện một số lễ hội đặc sắc..., Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2018 hứa hẹn mang lại bầu không khí vui tươi, đoàn kết, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.