Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bỏ miễn học phí ngành Sư phạm: Những dự báo không lạc quan

PV - 16:54, 02/04/2018

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đang thu hút sự chú ý của dư luận. Bên cạnh những điểm đột phá thì dự thảo vẫn còn những vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, đề xuất bỏ chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng đối với sinh viên các trường sư phạm trong dự thảo nhận được sự quan tâm nhất.

Viễn cảnh không sáng sủa của ngành Sư phạm

Sau 20 năm thực hiện (từ khi Luật Giáo dục 1998 có hiệu lực), chính sách miễn học phí được xem là “cứu cánh” cho những học sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; đồng thời cũng là nguồn thu chính của các trường sự phạm khi được ngân sách cấp bù kinh phí. Tuy nhiên, trước tình trạng hàng trăm nghìn sinh viên sư phạm ra trường không làm (hoặc là không được làm) nghề giáo, hoặc thất nghiệp, khiến lãng phí ngân sách, lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo nên nhiều chuyên gia giáo dục thống nhất kiến nghị dừng ngay chính sách miễn học phí.

Theo đuổi ước mơ giảng đường đại học vẫn là con đường được nhiều học sinh nông thôn, miền núi lựa chọn. (Ảnh minh họa) Theo đuổi ước mơ giảng đường đại học vẫn là con đường được nhiều học sinh nông thôn, miền núi lựa chọn .(Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo khoa học “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng 12/2017, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã nói: “Theo tôi, Nhà nước nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ngay lập tức. Điều này gây bất công với những học sinh đóng học phí”. Cơ sở để ông Dũng đề xuất là từ con số 90% sinh viên khối sư phạm tốt nghiệp loại giỏi đều đi làm công ty, xí nghiệp, không làm nghề giáo viên.

Theo kiến giải này thì rõ ràng chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm đang là lực cản. Không chỉ vậy, chính sách này còn được đánh giá là “lỗi thời” khi so với nhiều năm trước, trong sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước như hiện nay thì vấn đề học phí không còn quá quan trọng đối với đại đa số các gia đình. Do vật giá thay đổi nên gánh nặng chủ yếu cho các gia đình là chi phí sinh hoạt, ăn ở tại các thành phố; học phí chỉ chiếm một phần nhỏ.

Nhưng thực tế không phải vậy. Đối với sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là sinh viên cư trú ở địa bàn ĐBKK, vùng DTTS thì học phí vẫn là một khoản kinh phí đè nặng. Hiện nay, căn cứ theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ thì mức học phí của các trường Đai học không giống nhau, nhưng thấp nhất cũng 7,4 triệu đồng/năm học, cao nhất cũng trên 10 triệu đồng/năm học.

Thử lấy một địa phương còn nhiều khó khăn như xã Quy Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) làm phép tính. Hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/hộ/năm; vị chi bình quân đạt 1,5 triệu đồng/hộ/tháng. Với thu nhập này, chỉ việc cho một đứa con học đại học cũng đã là khó khăn. Nếu phải đóng học phí thì con đường tất yếu là gia đình đó rất khó có người học đại học.

Một nghiên cứu của TS. Trần Lương và nhóm nghiên cứu của Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ cho thấy, có hơn 50% sinh viên chọn ngành Sư phạm do được miễn học phí. Nếu học ngành Sư phạm mà phải đóng học phí thì hơn 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học. Liệu đây sẽ là tiếng chuông cảnh báo cho ngành Sư phạm?

Chính sách tín dụng sư phạm-có khả thi?

Đành rằng, tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề thực tế đang làm lãng phí nguồn ngân sách đào tạo. Nhưng chính sách miễn học phí đối với sinh viên các trường sư phạm vẫn chứng minh được tính ưu việt, chưa phải là “lỗi thời” như một số nhận định. Chính sách này đã và đang bảo đảm cân đối nguồn lực được đào tạo giữa các vùng miền, khu vực; đồng thời là nguồn tài chính “trụ cột” để các trường sư phạm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo PGS.TS Nguyễn Thám, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Huế, khoảng 70-80% sinh viên học trường sư phạm là con em ở vùng nông thôn, miền núi và có hoàn cảnh khó khăn. Trước tình hình tuyển sinh khó khăn của các trường sư phạm những năm gần đây, nếu bỏ việc miễn học phí thì chắc các trường chỉ tuyển được 40-50% chỉ tiêu là cao.

Để rõ hơn việc “được-mất” khi bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên các trường sư phạm thì cần đối sánh với nội dung của chính sách tín dụng sư phạm được xây dựng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo ban soạn thảo thì học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Dự thảo Luật cũng quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Vậy thì chính sách tín dụng sư phạm được đưa ra trong Dự thảo cũng tương tự với chính sách tín dụng dành cho học sinh-sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vấn đề mấu chốt là việc trả vốn vay được thực hiện như thế nào?

Câu hỏi này không khó trả lời đối với sinh viên theo học các ngành khác, trừ sư phạm. Cứ ra trường, có việc làm, trả vốn vay; nhưng với sinh viên sư phạm, ra trường có việc làm là không hề dễ. Thực tế hàng trăm nghìn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp hoặc làm trái nghề là một minh chứng sống động nhất.

Trên thực tế, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm thì điều cần thiết là tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành Giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đáng chú ý hơn, nếu như thực hiện chính sách tín dụng sư phạm, bỏ miễn học phí thì đối với sinh viên DTTS, sinh viên sinh sống ở vùng ĐBKK thì liệu có tạo áp lực về kinh tế cho họ hay không? Nếu thực hiện tín dụng chính sách thì sẽ có bao nhiều sinh viên nghèo, người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn theo đuổi được ước mơ làm giáo viên? Đây là những vấn đề cần được tính toán kỹ càng.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.