Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), Thời gian qua, tình hình an ninh, chính trị trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó dự báo. Trước tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột vũ trang Nga-Ukraine, dự báo nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm, dẫn đến đời sống người dân khó khăn, điều này là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy.
Qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy của các quốc gia thời gian gần đây cho thấy tội phạm đang gia tăng thẩm lậu ma túy vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Khi lực lượng chức năng tấn công, trấn áp mạnh tuyến Tây Bắc, tội phạm ma túy chuyển hướng, gia tăng hoạt động trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang trở thành “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy.
Ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển trái phép với số lượng ngày càng lớn về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba, tập trung trên một số tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện… Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều dạng ma túy mới. Ma túy núp bóng các sản phẩm đồ uống, ngụy trang dưới danh nghĩa thực phẩm, thuốc lá thế hệ mới. Việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên tăng nhanh, nhất là việc mua bán và sử dụng “bóng cười”, cùng với các loại ma túy được tẩm vào thực phẩm, nước uống và thuốc lá điện tử gia tăng phức tạp, gây mất trật tự xã hội, lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Trong khi đó, tình hình mua bán, tàng trữ và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma ma túy trái phép tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Tình trạng người sử dụng chất ma túy trái phép, người nghiện ma túy ở ngoài xã hội, không được theo dõi, quản lý đã gây ra nhiều vụ phạm pháp hình sự, trong đó đáng chú ý là số đối tượng “ngáo đá” bị rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi gây ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông… đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người.
Trước những tác động tiêu cực của ma túy đến đời sống xã hội, Bộ Công an, với vai trò Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tháng 3/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng; hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra.
Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy được tăng cường mở rộng, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phối hợp, hiệp đồng phát hiện hiện, bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 809 kg heroin; 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867 kg cần sa và trên 1 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 29.069 vụ, 41.313 bị can về ma túy. Tòa án nhân dân các cấp giải quyết 27.030 vụ, 39.322 bị cáo phạm tội về ma túy theo thủ tục sơ thẩm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Dự báo thời gian tới, tình hình hoạt động tội phạm ma túy trên toàn quốc chịu nhiều tác động của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới.
Về nguồn cung ma túy, C04 nhận định, các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia sẽ gia tăng hoạt động để giải quyết nguồn cung ma túy tồn dư sau đại dịch Covid-19.
Về nguồn cầu ma túy, Tình hình tội phạm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm, nguy cơ hình thành điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Tình trạng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc đối tượng nghiện ma túy vi phạm pháp luật có nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường...
Một trong những kế hoạch đấu tranh với tội phạm ma túy thời gian tới là thực hiện mô hình 3 lớp đấu tranh phòng, chống ma túy; tổ chức đấu tranh đồng bộ, liên hoàn trên các địa bàn trọng điểm, bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu; ngăn chặn không để tội phạm ma túy lợi dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất, tàng trữ, trung chuyển ma túy quốc tế…
Tính đến tháng 02/2023, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc là 48.203 người, 191.410 người nghiện ma túy, trong đó: Tổng số người được xác định tình trạng nghiện năm 2022 là 37.592 người, 31.996 người có kết quả xác định tình trạng nghiện là nghiện ma túy. Năm 2022, toàn quốc lập 17.285 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công tác quản lý sau cai nghiện được 100% các địa phương tổ chức thực hiện với 24.558 người hiện đang được quản lý sau cai tại cộng đồng. Công tác tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện, được nhiều địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.