Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, kho tàng, doanh trại các khu vực sườn đồi dốc, ven sông, suối để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ mạnh; kiên quyết tổ chức di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lập phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu.
Các địa phương quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối để hạn chế xảy ra sạt lở; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng nhà ở khu dân cư ven sông, suối, ven biển, sườn đồi dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ sạt lở, lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
Về lâu dài, các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, ven biển để khắc phục tình trạng lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở; tổng hợp tình hình sạt lở ở các địa phương báo cáo UBND tỉnh tham mưu xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra; đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chăm sóc, cải tạo rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng chắn sóng, ngập mặn để phòng, chống sạt lở.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án ứng phó sự cố, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, tổ chức hiệp đồng với các lực lượng của Trung ương, Quân khu 7 và phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, sạt lở, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” và theo chức năng nhiệm vụ được phân công, địa bàn quản lý.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, nhất là việc chủ động phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn kết hợp xả lũ hồ chứa. Đồng thời, xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.