Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Phước: Hướng đi mới trong vùng dân tộc thiểu số

PV - 16:03, 14/08/2021

Không chỉ tạo dấu ấn trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, một số hộ dân tộc thiểu số (DTTS) còn liên kết với nhau để thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là hướng đi mới, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế vùng DTTS. Và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (Bình Phước) là một điển hình như thế.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi (Thứ hai từ trái qua) và lãnh đạo tỉnh, huyện Bù Đăng thăm mô hình kinh tế hộ anh Điểu Bưng, xã Đồng Nai tháng 2/2021
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi (Thứ hai từ trái qua) và lãnh đạo tỉnh, huyện Bù Đăng thăm mô hình kinh tế hộ anh Điểu Bưng, xã Đồng Nai tháng 2/2021

Điểm tựa cho nông hộ

Hoạt động kinh tế của người dân xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng phần lớn là sản xuất nông nghiệp gắn với cây công nghiệp, chủ yếu điều, cao su, cà phê. Với gần 70% số dân là đồng bào DTTS, nhưng nhiều hộ dân ở đây có vài chục héc ta đất sản xuất là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, theo lối truyền thống và mạnh ai nấy làm, nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Là người có trình độ và thường xuyên gắn bó với người dân, nên anh Điểu Bưng (SN 1979), ngụ thôn 6 luôn trăn trở làm sao để giúp đồng bào mình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. “Đồng Nai là vùng đất có truyền thống trồng điều. Tuy nhiên, do ít áp dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) nên năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế chưa cao, nhất là đầu ra còn gặp nhiều khó khăn do bị ép giá. Vì thế, ngoài tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng KH-KT, đưa giống mới vào trồng cho năng suất cao, 3 năm trước, tôi còn liên kết, tập hợp bà con xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, ổn định thu nhập lâu dài”, anh Điểu Bưng kể lại.

Thuận lợi là các công ty, doanh nghiệp cũng đã hợp tác với chính quyền, hộ dân xã Đồng Nai xây dựng vùng nguyên liệu sạch chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu (Organic EU). Từ khát vọng, quyết tâm cao và ý chí vươn lên, lại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và Liên minh HTX tỉnh, tháng 3/2021, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai chính thức thành lập, do anh Điểu Bưng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc. Đến nay, HTX thu hút 40 thành viên tham gia, với 800 ha điều và 100% là hộ đồng bào Xtiêng, Mnông.

Hiện HTX được 2 doanh nghiệp lớn ở tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả công đoạn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực hiện theo quy trình kỹ thuật của các doanh nghiệp. Đặc biệt, công đoạn bón phân, thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải theo hướng sản phẩm sạch - hữu cơ bền vững.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX có đông thành viên DTTS, cần phát huy vai trò nòng cốt người đứng đầu HTX. Đồng thời rất cần sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Ngoài ra, các cấp, ngành hữu quan cần ưu tiên chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS, đặc biệt là chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Ông Hà Văn KiênChủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước

“Mở cánh cửa” cho hàng trăm hộ dân

Tham gia HTX, các thành viên được rất nhiều quyền lợi. Ngoài hỗ trợ kinh phí phát cỏ, kỹ thuật chăm sóc và được các công ty đến tận nơi thu mua, giá bán còn cao hơn thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg, nên không phải lo đầu ra. Không chỉ bao tiêu sản phẩm, mà những đại lý, doanh nghiệp chuyên thu mua điều trên địa bàn và một số vùng lân cận còn được các đối tác của HTX mua lại với giá cao hơn thị , khi bảo đảm điều kiện sản phẩm đạt chuẩn theo quy định. Riêng vụ điều năm 2020 - 2021, các đơn vị đối tác đã thu mua 6.000 tấn điều thô cho nông dân xã Đồng Nai.

Giám đốc Điểu Bưng phấn khởi cho biết: Không phải đóng góp bất kỳ khoản chi phí nào, lại được hưởng rất nhiều quyền lợi, nên thành viên HTX vui lắm. Vừa qua, 150 hộ DTTS và một số hộ người Kinh đăng ký tham gia với diện tích khoảng 2.000 ha điều. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên các công ty đối tác chưa thể đi kiểm tra, khảo sát về quy trình sản xuất của các hộ để kết luận có đồng ý hay không. Bởi vì, sản xuất phải đạt tiêu chuẩn Organic mới được tham gia.

Ông Đinh Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai cho biết: Trên địa bàn có 2 HTX nông nghiệp, trong đó HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai dù mới thành lập nhưng hiệu ứng rất tích cực, mở ra cánh cửa mới cho hàng trăm hộ dân trồng điều trên địa bàn, nhất là hộ DTTS. HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm sạch, an toàn theo hướng hữu cơ. Đầu ra không chỉ được cam kết cao hơn giá thị trường mà còn bao tiêu hết sản phẩm nên bà con rất phấn khởi. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của anh Điểu Bưng.

Để người DTTS nỗ lực vươn lên

Việc liên kết, thành lập các HTX nhằm tạo chuỗi giá trị trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân được xem là bước đột phá trong phát triển kinh tế vùng DTTS. Theo thống kê, trong 200 HTX toàn tỉnh đang hoạt động, thì 33 HTX có thành viên người DTTS tham gia với 540 người. Trong đó, 3 HTX có 100% thành viên là người DTTS. Tuy nhiên, người đứng đầu HTX vẫn còn hạn chế về trình độ, năng lực quản lý điều hành. Ngoài ra, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh cũng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên, nhất là người DTTS.

Toàn tỉnh có 97,8% người DTTS làm kinh tế nông nghiệp, số còn lại là các ngành, nghề khác. Những năm qua, ngoài chính sách chung của Nhà nước, Bình Phước còn có những chính sách đặc thù riêng đã áp dụng hiệu quả, nhất là chương trình giảm 1.000 hộ đồng bào DTTS nghèo và làm 1.000 km đường giao thông/năm. Qua đó góp phần giảm sâu số hộ nghèo DTTS, cải thiện đời sống người dân và rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, địa phương trong tỉnh.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân tự hào: “Nhiều hộ đồng bào DTTS không chỉ vươn lên thoát nghèo, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, trở thành những “ngọn đuốc” trong vùng DTTS. Họ là những điển hình người thật, việc thật trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc để người DTTS nỗ lực, phấn đấu vươn lên”.

Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh nhưng anh Điểu Bưng không ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc mà quyết định về làm giàu trên quê hương mình. Hiện gia đình anh có 40 ha đất, trong đó 26 ha điều, 17 ha cao su, 1 ha sầu riêng, 2 ha cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Ngoài ra, anh còn đầu tư xây dựng 2 nhà yến mỗi tháng thu được 3kg tổ yến thô. Anh được Hội Nông dân cấp giấy chứng nhận là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.