Đề cao cảnh giác cháy rừng
Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập có diện tích hơn 25.500 ha rừng tự nhiên, trong đó 1.700 ha lồ ô thuần loài, 16.000 ha lồ ô xen gỗ nên rất dễ xảy ra cháy vào mùa khô. Diện tích rừng ở đây luôn đặt ở cấp V - cấp rất nguy hiểm. Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý, hiện có 2 tuyến đường lớn đi qua VQG là Quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới, vào mùa khô người dân qua lại khu vực này rất đông, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Để việc phòng, chống cháy rừng (PCCR) đạt hiệu quả, Ban Quản lý VQG đã xây dựng các phương án và giao Hạt Kiểm lâm vườn thực hiện. Theo đó, Tổ Kiểm lâm cơ động và PCCR cùng các Trạm Kiểm lâm tăng cường tuần tra, canh gác tại các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao, khu vực dọc Quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới; cắt cử nhân lực thường xuyên trực gác tại chòi canh lửa.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền lưu động công tác PCCR nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân các xã vùng đệm; tổ chức ký cam kết không phát dọn, lấn chiếm, để lửa cháy lan vào rừng. Ngoài lực lượng nòng cốt, 15 đơn vị cộng đồng nhận khoán phải cắt cử người (6 người/ca trực) trực tuần tra PCCR 24/24 giờ trong những tháng mùa khô.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên: Với diện tích hơn 82.000 ha, VQG Cát Tiên trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, trong đó diện tích thuộc tỉnh Bình Phước hơn 4.300 ha.
Vào thời điểm này, nguy cơ cháy rừng luôn cảnh báo từ cấp III trở lên. Địa bàn rộng, phức tạp, diện tích rừng do đơn vị quản lý, bảo vệ lớn, trong khi lực lượng Kiểm lâm lại tương đối “mỏng”, do đó công tác PCCR luôn ở trong trạng thái căng thẳng, phải hoạt động 24/24 giờ.
Để hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy rừng gây ra, VQG Cát Tiên đã tăng cường phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an và các đơn vị quản lý rừng, chính quyền địa phương trong PCCR. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, bố trí tổ lực lượng trực 24/24 giờ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Bình Phước hiện có hơn 171.000 ha đất rừng và đất chưa có rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 55.000 ha. Vào mùa khô, thời tiết ở tỉnh Bình Phước nắng nóng gay gắt, nên các hiện trạng rừng trên địa bàn địa phương này luôn có nguy cơ cháy từ cấp IV đến cấp V. Do đó, lực lượng Kiểm lâm đã tập trung cao cho công tác PCCR, bố trí lực lượng và tăng cường tuần tra tại khu vực trọng điểm xác định khả năng cháy rừng cao; tổ chức dọn đường băng cản lửa, tiếp nước vào các bồn, hồ chứa cố định; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng chữa cháy.
Để công tác PCCR đạt hiệu quả cao nhất, các đơn vị giữ rừng trên địa bàn Bình Phước và VQG Cát Tiên luôn theo phương châm “phòng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn”, với nguyên tắc “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “4 sẵn sàng” (sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần, sẵn sàng chỉ huy).
Bằng cách triển khai bài bản, khoa học, đồng bộ nhiều giải pháp nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Được biết, UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn yêu cầu sở ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện có. Theo đó, ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng và PCCR sâu rộng đến toàn thể người dân bằng hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng gây thiệt hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn nắng nóng gay gắt hiện nay, các đơn vị thường xuyên cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; nâng cao độ chính xác trong dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.