Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Liêu (Quảng Ninh): Ưu tiên nguồn lực nâng chất tiêu chí và đạt chuẩn nông thôn mới

Nghĩa Hiệp - 13:59, 22/04/2022

Năm 2022, huyện Bình Liêu đặt ra mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), lấy căn bản chuyển đổi từ “lượng” sang “chất”, huyện đã xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững được huyện Bình Liêu áp dụng để xây dựng NTM
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững được huyện Bình Liêu áp dụng để xây dựng NTM

Theo Kế hoạch số 205/KH-UBND về xây dựng huyện Bình Liêu đạt chuẩn NTM năm 2022, UBND huyện Bình Liêu đã bố trí nguồn lực, cân đối hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước từ chương trình xây dựng NTM, Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cũng như tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa, sự vào cuộc tích cực của Nhân dân để xây dựng NTM.

Mục tiêu được huyện Bình Liêu đề ra là phấn đấu có 6/6 xã đạt chuẩn NTM, có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt chuẩn đô thị văn minh theo bộ tiêu chí quốc gia dự thảo giai đoạn 2021-2025 về xây dựng NTM; hoàn thành 9 tiêu chí và 30 chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn phấn đấu đạt trên 56 triệu đồng/người/năm; hoàn thiện chất lượng 26 thôn đạt chuẩn NTM theo tiêu chí mới...

Bà Hoàng Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Xác định, hạ tầng hoàn thiện sẽ là khâu đột phá để thúc đẩy liên kết các vùng, hiện huyện đang triển khai công tác khảo sát và đã lập 33 dự án hạ tầng, khởi công mới năm 2022 và giai đoạn 2022-2025. 

Đồng thời, tập trung triển khai các tuyến cống hộp thay thế 12 đường tràn trên địa bàn, với tổng chiều dài 2,2 km, tổng mức đầu từ 56 tỷ đồng tại các xã: Đồng Văn, Vô Ngại, Lục Hồn, Húc Động, Đồng Tâm và thị trấn Bình Liêu. Đây là những công trình có ý nghĩa rất quan trọng, khắc phục được tình trạng chia cắt cục bộ, gián đoạn giao thông giữa các thôn, bản trên địa bàn vào mùa mưa lũ.

Cùng với đó, huyện Bình Liêu xác định, người dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển NTM, để cùng Nhân dân xây dựng, huyện đã phân chia cán bộ phụ trách địa bàn, tích cực đi cơ sở, tăng cường đối thoại với Nhân dân để nắm tình hình và đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng NTM. Trong đó, đặc biệt để người dân nâng cao trách nhiệm tham gia và chủ động phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, môi trường và giảm nghèo.

Du lịch cộng đồng là mục tiêu được huyện Bình Liêu đề ra trong xây dựng NTM
Du lịch cộng đồng là mục tiêu được huyện Bình Liêu đề ra trong xây dựng NTM

Theo đó, hiện các mô hình tổ chức sản xuất tại các xã, thôn của huyện phát triển đã và đang đi vào chiều sâu. Điển hình như, mô hình sản xuất sản phẩm miến dong hiện có 3 dự án liên kết giữa HTX, doanh nghiệp và người dân, nên không còn tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào như 2-3 năm trước. Đồng thời, chất lượng các mặt hàng cũng được nâng lên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, diện tích trồng cây dong riềng đạt gần 120ha.

Hay như việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi từ ngắn ngày sang lâu năm. Chỉ tính riêng năm 2021, sản lượng hoa hồi (khô) trên địa bàn đạt 786 tấn, bằng 217,7% năm 2020; quế vỏ (khô) 494,2 tấn, bằng 207,6% năm 2020; nhựa thông 780 tấn, bằng 339% năm 2020; hạt sở 657 tấn, bằng 547,5% so với năm 2020. Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn. Đến hết năm 2021, huyện Bình Liêu chỉ còn 127 hộ nghèo, chiếm 1,31%, hộ cận nghèo còn 312 hộ, chiếm 2,63%.

Theo chị Hoàng Thị Xa, dân tộc Tày cho biết: Tới đây, huyện còn phát triển du lịch theo hướng chiều sâu, tập trung vào các làng du lịch. Chúng tôi được đi tập huấn để làm du lịch bài bản, được hướng dẫn cách khai thác các tiềm năng về bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng núi, biên giới để làm du lịch.

Với những nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đưa huyện về đích NTM sớm nhất để bắt kịp các địa phương khác trong tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.