Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bình Định: Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo xử lý các nhà hàng nổi hoạt động không phép trên địa bàn TP.Quy Nhơn

Tiếng Dân - 12:07, 17/08/2023

Ngày 1/8, Báo Dân tộc và Phát triển có bài viết: Bình Định: Các nhà hàng nổi ngang nhiên hoạt động không phép trên địa bàn TP.Quy Nhơn; ngày 12/8, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài viết: Bình Định: Các nhà hàng nổi vẫn đang thách thức dư luận, tiếp tục hoạt động không phép trên địa bàn TP.Quy Nhơn. Sau khi hai bài báo này được đăng tải đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Với những nội dung do Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh về việc các nhà hàng nổi vẫn ngang nhiên hoạt động không phép tại lưu vực cuối sông Hà Thanh, thuộc các phường Nhơn Bình, Đống Đa, bất chấp lệnh cấm và thách thức dư luận, ngày 15/8, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo như sau: "Giao Thành ủy Quy Nhơn xem xét, chỉ đạo giải quyết nội dung báo chí đã phản ánh, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, đồng thời gửi báo cáo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để theo dõi, tổng hợp trước ngày 14/9/2023".

Nhà hàng nổi Ngọc Châu vẫn đang hoạt động
Nhà hàng nổi Ngọc Châu vẫn đang hoạt động

Những năm gần đây, TP. Quy Nhơn (Bình Định) được biết là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách. Kèm theo đó sự phát triển của các nhà hàng nổi (chủ yếu trên địa bàn xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn). Tuy nhiên, việc các nhà hàng nổi hoạt động tự phát, chưa thông qua đăng ký, đăng kiểm tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách. Bên cạnh đó, các nhà hàng nổi hoạt động trên mặt nước sẽ ảnh hưởng đến môi trường và lưu thông đường thủy nội bộ.

Để giải quyết những bất cập từ hoạt động của các nhà hàng nổi, tháng 5/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã có văn bản chỉ đạo TP.Quy Nhơn chấm dứt các hoạt động kinh doanh của các nhà hàng nổi tự phát để đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, cũng như giữ cảnh quan môi trường sinh thái biển.

Tuy nhiên, thời điểm đó người dân đã đầu tư vốn rất lớn; thậm chí có một số hộ còn thế chấp cả tài sản để vay ngân hàng mua vật tư đóng các nhà hàng, thực hiện việc kinh doanh. Nếu dừng ngay việc hoạt động của các nhà hàng nổi, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập và khả năng đóng lãi suất cũng như trả vốn cho ngân hàng của người dân. Vì thế, chính quyền địa phương “du di” cho các nhà hàng nổi hoạt động và các hộ kinh doanh phải cam kết đảm bảo an toàn, khi du khách tắm biển phải mặc áo phao; không vứt rác bừa bãi ra môi trường biển.

Cũng chính vì sự “du di” này nên các nhà hàng nổi, bè nổi liên tục phát triển về số lượng. Riêng tại xã Nhơn Hải đã có tới 7 nhà hàng nổi hoạt động kinh doanh ăn uống. Tại xã Nhơn Lý cũng có 24 bè nổi nhưng chỉ phục vụ du khách lặn ngắm san hô, không kinh doanh ăn uống. Còn tại phường Nhơn Bình, gần đây xuất hiện nhà hàng nổi Bè Sông, nhà hàng nổi Ngọc Châu và tại phường Đống Đa có nhà nổi Sơn Tùng hoạt động không phép như báo chí đã phản ánh.

Nhà hàng nổi Sơn Tùng vẫn đang hoạt động
Nhà hàng nổi Sơn Tùng vẫn đang hoạt động

Trước những bất cập từ hoạt động của các nhà hàng nổi, bè nổi trên địa bàn TP.Quy Nhơn, ngày 10/03/2023, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn số 1287/UBND-KT, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng ký, về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung: Đình chỉ tất cả các nhà hàng nổi, bè nổi, khu vực vui chơi dưới nước, các loại hình vui chơi dưới nước hoạt động trái phép trên địa bàn. Giao UBND TP. Quy Nhơn chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện.

Theo ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và thành phố, ngày 20/3, xã đã tiến hành mời làm việc trực tiếp các cá nhân, hộ gia đình có bè nổi và các phương tiện không đủ điều kiện để hoạt động. Qua buổi làm việc, chúng tôi đã thông báo cấm hoạt động đối với 7 nhà hàng bè nổi, 11 cano, 18 composit, 13 moto nước và yêu cầu các cá nhân, hộ gia đình liên quan chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, dừng hoạt động vì không đủ điều kiện. Đến nay, các nhà hàng nổi đã dừng kinh doanh ăn uống, chỉ còn một số bè phục vụ lặn ngắm san hô là còn hoạt động.

Các nhà hàng nổi ở Nhơn Hải hiện nay chỉ phục vụ khách du lịch lặn ngắm san hô, không kinh doanh ăn uống
Các nhà hàng nổi ở Nhơn Hải hiện nay chỉ phục vụ khách du lịch lặn ngắm san hô, không kinh doanh ăn uống

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Nhơn Lý, hiện nay có khoảng 24 bè lặn ngắm san hô đang hoạt động. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết: Sở dĩ các bè này còn hoạt động là do không nằm trong đối tượng cấm của UBND tỉnh, họ chỉ phục vụ du khách lặn ngắm san hô chứ không phục vụ ăn uống. 

“Chúng tôi ý thức được việc kinh doanh ăn uống trên các nhà hàng nổi sẽ ảnh hưởng đến môi trường nên từ trước tới nay, chúng tôi không cho phép người dân kinh doanh nhà hàng nổi mà chỉ cho lặn ngắm san hô. Khi UBND tỉnh yêu cầu dừng hoạt động, chúng tôi đã vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành. Sau đó, chúng tôi đã có đề xuất tháo gỡ và được tỉnh cho phép tiếp tục hoạt động phục vụ khách du lịch để lặn ngắm san hô”, ông Danh chia sẻ thêm.

Như vậy, sau lệnh cấm của UBND tỉnh Bình Định, có thể nói, các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và các chủ nhà hàng nổi đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh. Còn tại các phường Nhơn Bình, Đống Đa vẫn còn 3 nhà hàng nổi là Bè Sông, Ngọc Châu và Sơn Tùng ngang nhiên hoạt động, bất chấp lệnh cấm. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại không có biện pháp đủ mạnh để xử lý các nhà hàng này.

Từ thực tế trên, chúng tôi thiết nghĩ, UBND tỉnh Bình Định cần nhanh chóng chỉ đạo UBND TP.Quy Nhơn và các phường Nhơn Bình, Đống Đa quyết liệt xử lý, yêu cầu các nhà hàng nổi Bè Sông, Ngọc Châu, Sơn Tùng dừng hoạt động, đảm bảo sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật. Tránh tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, gây bức xúc trong dư luận.