Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Những con đường mở lối thoát nghèo ở làng "nhiều không"

T.Nhân-H.Trường - 09:20, 15/11/2024

Ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) có có 2 ngôi làng xa xôi cách trở, không đường, không điện, không trạm y tế… cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Với quyết tâm rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng, mở đường đến 2 làng. Đường đi lại thuận tiện đã hiện thực hoá ước mơ từ bao đời của người dân, đồng thời mở ra cơ hội phát triển ở những vùng xa xôi nhất, khó khăn nhất của tỉnh.

Làng Canh Giao nhìn từ trên cao
Làng Canh Giao nhìn từ trên cao

Hiện thực hóa ước mơ của người dân

Sau nhiều năm mong mỏi, con đường mơ ước của người dân làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh (Bình Định) đã trở thành hiện thực. Làng Canh Giao là nơi có vị trí chiến lược trong thế trận chiến tranh Nhân dân, được tỉnh Bình Định chọn làm căn cứ địa Cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 405 đặc công của tỉnh Bình Định.

Trước năm 1954, Canh Giao là một xã riêng biệt, gồm 4 thôn với 470 dân. Sau năm 1975, Canh Giao nhập với hai xã Canh Hà, Canh Hưng thành xã Canh Hiệp. Nay, làng Canh Giao có 70 hộ với 207 nhân khẩu, chủ yếu là người Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm), cuộc sống chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp trên diện tích 1,3 ha lúa nước và 2 ha đất trồng rau, hoa màu các loại. Ngoài ra, thu nhập của bà con dựa vào 130 ha keo và tiền nhận giao khoán, bảo vệ rừng.

Làng Canh Giao có địa hình hiểm trở, dù chỉ cách trung tâm xã Canh Hiệp một ngọn đồi nhưng để vào được làng phải đi vòng 35km từ xã Đa Lộc, huyện đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định và các mạnh thường quân hỗ trợ tuyến đường vào làng Canh Dao được khởi công xây dựng tháng 5/2024 và đã đưa vào sử dụng tháng 7/2024. đầu tư, xây dựng tuyến đường bê tông xi măng vào làng Canh Giao. Để đảm bảo công trình được triển khai thi công thuận lợi và sớm đưa vào khai thác sử dụng, UBND huyện Đồng Xuân đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền người dân thôn 4, xã Đa Lộc bị ảnh hưởng đồng thuận, giải phóng mặt bằng.

Con đường bê tông từ xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân đến làng Canh Giao được xây dựng bài bản, giúp người dân đi lại thuận tiện
Con đường bê tông từ xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân đến làng Canh Giao được xây dựng bài bản, giúp người dân đi lại thuận tiện

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Công trình đường bê tông xi măng từ Canh Giao đi Đa Lộc với chiều dài 3,3 km, đường giao thông nông thôn loại B miền núi. Đây là công trình giao thông cấp thiết, quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông đi vào làng Canh Giao, đặc biệt mùa mưa lũ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân làng Canh Giao.

Ngoài làng Canh Giao thì làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh cũng là một ngôi làng gần như “biệt lập” với bên ngoài, bởi vì đường sá đi lại rất bất tiện, đèo dốc, sông suối hiểm trở. Cũng chính vì không có đường đi thuận lợi nên đời sống của bà con rất khó khăn và mong ước lớn nhất của họ là có một con đường để có cơ hội vươn lên thoát cảnh đói nghèo.

Làng Canh Tiến cách trung tâm xã Canh Liên gần 23km đường đèo, cách xã Canh Hiệp hơn 15km đường đi chỉ là một lối mòn xuyên rừng, đèo dốc hiểm trở. Nếu đi theo ngõ qua xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn thì phải đi thuyền qua hồ Núi Một; không đi thuyền thì phải men theo con đường mòn chạy quanh hồ. Mặc dù đường đến Canh Tiến không quá xa nhưng rất khó đi và mất nhiều thời gian.

Làng Canh Tiến nhìn từ trên cao
Làng Canh Tiến nhìn từ trên cao

Làm sao có một con đường giao thông để việc đi lại thuận lợi và giao thương với các vùng lân cận, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế là niềm mơ ước của bà con làng Canh Tiến. Đó cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện Vân Canh qua nhiều thế hệ. Tin vui đến với người dân Canh Tiến vào đầu năm 2024, tuyến đường nối từ trung tâm xã Canh Hiệp vào làng đã được tỉnh Bình Định khởi công xây dựng.

Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định cho biết: Tuyến đường liên thôn, liên xã từ làng Canh Tiến về xã Canh Hiệp, qua đèo Nha Sam dài 13,28 km đạt chuẩn đường cấp IV miền núi, vốn đầu tư xây lắp gần 150 tỷ, khởi công từ tháng 2/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. “Đây là con đường chiến lược, không chỉ giúp bà con làng Canh Tiến phát triển kinh tế mà còn đảm bảo về an ninh quốc phòng. Vì thế, Ban thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng theo theo kế hoạch, đáp ứng mong mởi của người dân”, ông Thi chia sẻ thêm

Con đường từ xã Canh Hiệp đi làng Canh Tiến đang dần hình thành
Con đường từ xã Canh Hiệp đi làng Canh Tiến đang dần hình thành

Mở ra cơ hội phát triển mới cho những làng "nhiều không"

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến làng Canh Giao và làng Canh Tiến là người ta nghĩ ngay đó là những làng nhiều không: Không điện, không đường, không trạm y tế và không có nước sạch. Ai đã từng đến những ngôi làng này mới cảm nhận được niềm vui của Nhân dân khi có đường đilại thuận tiện.

Anh Đinh Văn Ước, người dân làng Canh Tiến vui mừng chia sẻ: Đường vẫn chưa thông tới làng nhưng tôi đã có thể đi xe máy được rồi. Muốn đi chợ mua bán cái gì là đi khoảng một tiếng có thể về được chứ không phải mất cả ngày như trước. Tôi và bà con trong làng mừng lắm.

Tuy nằm biệt lập với các vùng khác nhưng Canh Tiến có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế rừng và du lịch sinh thái. Ông Đinh Văn Mực, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: Tổng diện tích đất sản xuất lúa nước và lúa rẫy trên 7ha, chủ yếu là sản xuất lúa Cẩm, lúa Khang, lúa Mriă; diện tích rừng trồng của người dân khoảng 30ha; rừng phòng hộ giao khoán cho người dân là trên 300ha. Bên cạnh đó, làng còn nằm gần hồ Núi Một, có rừng nguyên sinh, sông suối, thác nước… 

Bên cạnh đó, người dân vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng của đồng bào DTTS như: Lễ đỗ đầu vào dịp Tết, lễ cầu được mùa, lễ cầu mưa, lễ rước dâu, lễ ăn mừng lúa mới… Các lễ hội diễn ra quanh năm, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, khi con đường hoàn thành thì sản phẩm của bà con sẽ có giá trị kinh tế cao hơn, người bán được giá mà người mua cũng tiện lợi hơn.

Con đường vào làng Canh Tiến dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 12/2025
Con đường vào làng Canh Tiến dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 12/2025

Còn ông Huỳnh Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp chia sẻ: So với các làng đồng bào DTTS khác trong xã, Canh Giao vẫn là làng nghèo nhất vì xa xôi cách trở, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, so với trước đây, Canh Giao nay đã bớt khó khăn hơn nhiều. Đó là nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách dân tộc. Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Vân Canh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Canh Giao. Năm 2023, huyện đã dành hơn 6 tỷ đồng để đầu tư một số đường bê tông, cầu, cống…

“Giờ đường về Canh Giao – Đa Lộc đã được bê tông mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho người dân, nhất là mùa mưa lũ, điều này đã làm thay đổi lớn về đời sống, kinh tế, văn hóa của Nhân dân trong làng. Có được con đường, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hoá và yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng thôn làng ngày càng phồn thịnh hơn”, ông Thành cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.