Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tìm trong di sản

Bình Định: Kỷ niệm 70 năm thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5 - Đoàn tuồng Đào Tấn

Lê Phương - 19:12, 07/09/2022

Ngày 7/9, Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) tỉnh Bình Định tổ chức Kỷ niệm 70 năm thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5 - Đoàn tuồng Đào Tấn (1952 - 2022) và 60 năm thành lập Đoàn văn công Giải phóng - Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định (1962 - 2022), thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.

Điệu múa Trình tường của Đoàn tuồng Đào Tấn
Điệu múa Trình tường của Đoàn tuồng Đào Tấn

Trải qua 70 năm với biết bao thăng trầm, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên Ðoàn tuồng Liên khu 5 (nay là Ðoàn tuồng Ðào Tấn) và Ðoàn văn công giải phóng (nay là Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh) - tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - đã miệt mài tiếp nối nhau gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng, bài chòi.

Tháng 4/1952, Thường vụ Khu ủy Khu 5 quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5 làm đơn vị điển hình nhằm phục hồi, phát triển ngành nghệ thuật tuồng truyền thống của dân tộc. Đây là đoàn tuồng cách mạng đầu tiên trong cả nước.

Sau đêm diễn đầu tiên tại huyện Hoài Ân (Bình Định) với vở tuồng Tam nữ đồ vương, được khán giả hoan nghênh, Đoàn tuồng Liên khu 5 tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, tập hợp thêm nhiều nghệ sĩ tài danh của các tỉnh Khu 5, như: Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi, Tống Phước Phổ, Phạm Chương, Trương Thị Minh Đức, Đinh Quả, Phạm Hữu Thành, Đỗ Ngọc Liên, Võ Sĩ Thừa, Văn Bá Anh, Dương Long Căn… biểu diễn phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ tinh thần Nhân dân chống Pháp. Năm 1954, các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu 5 tập kết ra Bắc, tiếp tục hoạt động suốt hơn 21 năm ở miền Bắc.

Sau năm 1975, Đoàn tuồng Liên khu 5 trở lại Bình Định, kết hợp với một số nghệ sĩ từ chiến khu trở về và Đội tuồng Đồng Ấu do nghệ sĩ Tư Cá đào tạo tại chỗ, cùng lớp Trung cấp tuồng được đào tạo ở miền Bắc vào thực tập, lập nên Đoàn tuồng Nghĩa Bình. Năm 1978, Đoàn tuồng Nghĩa Bình đổi tên thành Nhà hát tuồng Nghĩa Bình và đến năm 1988 đổi thành Nhà hát tuồng Đào Tấn.

Tháng 3/1962, Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền Bình Định với 14 thành viên. Đến tháng 10/1962, Đội được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đổi tên thành Đoàn văn công giải phóng Bình Định để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ dân vận, động viên tinh thần quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…

Tiết mục văn nghệ của Đoàn tuồng Đào Tấn trong Lễ kỷ niệm
Tiết mục văn nghệ của Đoàn tuồng Đào Tấn trong Lễ kỷ niệm

Sau năm 1975, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tiến hành hợp nhất. Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bình Định và Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi cũng được hợp nhất thành Đoàn văn công giải phóng Nghĩa Bình.

Năm 1989, sau khi tỉnh Nghĩa Bình chia tách, Đoàn ca kịch Nghĩa Bình đổi tên thành Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định hợp nhất Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, chính thức hoạt động từ ngày 1/4/2020.

Theo ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, những năm gần đây, nhà hát này chủ động khai thác, phục hồi, nâng cao nhiều vở tuồng, bài chòi tiêu biểu phục vụ Nhân dân. Ngoài ra, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định cũng dàn dựng nhiều tiết mục, như: Múa Trình tường, múa Chăm, hò đối đáp, độc tấu nhạc cụ dân tộc… biểu diễn phục vụ tại các hội nghị, hội thảo tổ chức tại tỉnh hoặc phục vụ yêu cầu của du khách. Đây là bước khởi đầu cho việc hướng tới xây dựng các chương trình biểu diễn tuồng, bài chòi phục vụ du khách, góp phần quảng bá nghệ thuật tuồng, bài chòi độc đáo của Bình Định đến với công chúng.