Theo báo cáo UBND tỉnh Bình Định, trong tổng số 146 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập (Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng tỉnh), Ban quản lý di tích kiêm nhiệm (UBND xã, phường, thị trấn), người đại diện cơ sở tôn giáo và người đại diện cơ sở tín ngưỡng quản lý, sử dụng.
Năm 2023, tổng số tiền thu công đức, tài trợ tại các di tích trên địa tỉnh Bình Định hơn 4,1 tỉ đồng; không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Trong khi đó, tổng số chi cho số tiền quản lý trên gần 2,43 tỉ đồng. Cụ thể, chi hoạt động quản lý là 409,6 triệu đồng; chi hoạt động lễ hội là 655,4 triệu đồng; chi tu bổ, tôn tạo di tích là 575 triệu đồng; chi hoạt động từ thiện, nhân đạo là 21 triệu đồng. Bên cạnh đó, các khoản chi khác như: tuyên truyền, quảng bá về lễ hội, di tích; bảo đảm an ninh trật tự, y tế, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ gồm nhà vệ sinh, đường nội bộ, đường điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe… là 767,2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho hay: Qua kiểm tra nguồn thu công đức chủ yếu tập trung tại di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung). Các di tích khác thì nguồn thu công đức rất ít, không đủ để đảm bảo cho các hoạt động chi thường xuyên trong năm. Từ kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.