Tại Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Bình Định với các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Viettravel Airlines.
Trong những năm qua, Bình Định dành nhiều quan tâm cho phát triển du lịch, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù ngày càng có sức thu hút và lan tỏa, Tp. Quy Nhơn được bình chọn là thành phố du lịch sạch ASEAN 2020. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như sản phẩm du lịch chưa đa dạng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đa số quy mô nhỏ, công tác xúc tiến quảng bá xúc tiến du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn hạn chế.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Để du lịch Bình Định “cất cánh”, cần phải xây dựng những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, để Du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, thì Bình Định trước hết cần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.
Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung xây dựng môi trường du lịch “xanh” đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường.
“Du lịch Bình Định muốn trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn, thì ngay từ bây giờ cần tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách, chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực du lịch và phương án sẵn sàng đảm bảo du lịch an toàn, hiệu quả. Hơn nữa, phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc chia sẻ thêm.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Xét về tiềm năng du lịch, thì Bình Định mang nét tương đồng với 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, đều có du lịch biển, đảo, văn hóa, lịch sử. Do đó, lãnh đạo tỉnh mong muốn ngoài phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thì có nét đặc trưng riêng đó là du lịch khám phá khoa học.
“Du lịch Quy Nhơn - Bình Định còn rất non trẻ, vì thế phải làm sao để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong 5 năm tới là nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Bên cạnh cần phải tập trung đào tạo nhân lực, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch, thì yếu tố đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng rất quan trọng. Tỉnh Bình Định cũng mong các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia có những giải pháp đề xuất, góp ý để có cái nhìn, định hướng cụ thể thúc đẩy phát triển ngành Du lịch Bình Định xứng tầm trong tương lai”, ông Nguyễn Phi Long gợi mở.
Tại Hội thảo, đại diện Hãng Hàng không Quốc gia - Vietnam Airlines mong muốn, các bộ ban ngành, cơ quan chức năng có thông điệp chính thức về việc Việt nam thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh và giảm, tiến đến bỏ các yêu cầu giãn cách, khẩu trang, khai báo, xét nghiệm Covid-19 hoàn toàn. Riêng cơ chế miễn visa tới 21 - 30 ngày để thúc đẩy khách du lịch từ Mỹ, EU, AU; tạo điều kiện thông qua các chính sách, nguồn lực, cho các thành phần trong ngành Du lịch để các doanh nghiệp sớm khai thác trở lại và đầu tư thêm nữa để đón đầu nhu cầu du lịch bùng nổ hậu Covid-19.