Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Bình Định: Hiểm họa từ việc tự ý mở đường khai thác lâm nghiệp

PV - 10:46, 24/05/2019

Thời gian gần đây, để tiện lấy gỗ nguyên liệu, nhiều cá nhân, chủ hộ, doanh nghiệp tự ý mở đường vào rừng thiếu quy hoạch, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, gây tình trạng sạt lở đất, đá xung quanh... Đáng lo ngại, việc kiểm tra, xử lý hoạt động này chưa được ngành chức năng và cấp chính quyền quan tâm.

Hệ lụy từ tự ý mở đường lâm nghiệp

Lãnh đạo các địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn đều nhìn nhận: Cây keo bây giờ không chỉ được trồng ở đồi thấp mà còn lên các núi cao. Đến kỳ thu hoạch, công việc đầu tiên là các chủ hộ, chủ dự án trồng keo thuê xe lên mở đường. Thế là những con đường ngang dọc trên núi hình thành kéo theo nhiều hệ lụy, đất đai bị xói mòn, gây mất cân bằng môi trường sinh thái.

Người dân huyện miền núi Bình Định đang khai thác gỗ rừng trồng. Người dân huyện miền núi Bình Định đang khai thác gỗ rừng trồng.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết: Ngoài việc trồng keo ồ ạt thiếu quy hoạch, thiếu quy trình kỹ thuật khai thác; đặc biệt tình trạng xẻ ngang, xẻ dọc núi để mở đường vận chuyển lâm sản đang có chiều hướng phức tạp, gây xói mòn, sạt lở đất. Điều này rất nguy hại, bởi mưa lớn xảy ra, nước từ đỉnh núi theo các con đường chảy dồn xuống hạ du với lưu lượng lớn khiến mực nước lên nhanh, gây ngập úng; thậm chí, sinh ra lũ ống, lũ quét.

Đáng lo là, hiện chưa có văn bản, quy định nào cấm các hộ trồng rừng mở đường để vận chuyển lâm sản. Trường hợp khai thác “chui” thì việc xử lý gặp không ít khó khăn; phần vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng, hoạt động của các đối tượng rất tinh vi...; Đó là chưa kể đến việc lâm tặc lợi dụng những con đường này để vào rừng sâu khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép.

Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Thế Dũng cho biết: Hiện nay, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra nguồn gốc gỗ rừng trồng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cá nhân khai thác; đưa trái phép vào rừng các phương tiện, công cụ cơ giới đào bới, san ủi, mở đường hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền; hoặc được phép nhưng không thực hiện đúng quy định cho phép thì kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật.

…Và vi phạm trồng rừng

Những con đường lâm nghiệp được làm tự phát, “làm chui” xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Định sở dĩ là do, việc trồng rừng trước đây không theo quy hoạch. Việc khai thác, vận chuyển vi phạm nhiều quy định của pháp luật.

Theo Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng trong rừng sản xuất phải báo cáo bằng văn bản với cấp thẩm quyền biết về địa danh, khối lượng gỗ khai thác để tổng hợp báo cáo, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác nhận nguồn gốc gỗ khi lưu thông tiêu thụ.

Thực tế chỉ có các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng thực hiện bài bản còn hộ gia đình thường làm tự phát, không có kế hoạch, vi phạm các thủ tục về điều kiện khai thác, vận chuyển gỗ diễn ra khá phổ biến.

Đơn cử như tại huyện Hoài Ân, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản xử lý 16 trường hợp vận chuyển gỗ keo không rõ nguồn gốc, vi phạm thủ tục hành chính trong khai thác, vận chuyển lâm sản, với số tiền xử phạt 12 triệu đồng.

Tại huyện Vân Canh, do đa phần đất trồng cây lâm nghiệp ở địa phương chủ yếu là người dân lấn chiếm trái phép, nên họ không đến làm hồ sơ khai thác vì sợ bị xử lý, chủ yếu khai thác chui. Những đối tượng này, chọn khung giờ ngoài giờ hành chính, hoặc trời sẩm tối hoặc sáng sớm để khai thác nhằm qua mặt lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, cho biết: Các địa phương chưa xử lý triệt để việc lấn chiếm đất, phá rừng để trồng keo, bạch đàn của người dân. Vì thế, khi phát hiện trường hợp khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng trái phép, lực lượng kiểm lâm gặp nhiều khó khăn để xác định tính hợp pháp về nguồn gốc đất, cây lâm nghiệp gắn liền trên đất để có hướng xử lý. Giải pháp hiện nay để hạn chế vi phạm là, đơn vị lập các chốt kiểm tra; bố trí lực lượng tuần lưu trên các tuyến đường liên xã, liên huyện; cử lực lượng mật phục để xử lý các đối tượng vi phạm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!