Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Cần nâng cao hiệu quả nguồn vốn 30a

Thành Nhân - 09:49, 09/12/2019

Từ năm 2009 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (vốn 30a), các huyện miền núi trong tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư còn những hạn chế, cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Nhờ nguồn vốn 30a hạ tầng các làng đồng bào DTTS ở huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư bài bản
Nhờ nguồn vốn 30a hạ tầng các làng đồng bào DTTS ở huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư bài bản

Huyện nghèo khoác “áo mới”

Bình Định có 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão được hưởng nguồn vốn 30a. Những năm qua, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư vào những công trình trọng điểm thiết yếu về điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế, giao thông... đã thật sự làm vùng cao của tỉnh bừng thêm sức sống mới.

Điển hình như ở huyện Vĩnh Thạnh. Trong 10 năm qua (2009 - 2019), huyện đã tiếp nhận trên 305 tỷ đồng để triển khai xây dựng 112 công trình; trong đó, có 14 công trình giao thông, 34 công trình thủy lợi, 44 công trình giáo dục và văn hóa, 11 công trình điện và nước sinh hoạt, 10 công trình y tế. Nhìn chung, các chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện đúng các quy định trong quá trình đầu tư xây dựng.

Đáng ghi nhận, việc chuẩn bị đầu tư được thực hiện khá kịp thời, với 95% dự án phê duyệt trước ngày 31/10 hằng năm. Minh chứng ở huyện Vân Canh, thời gian qua, cũng được thụ hưởng hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn 30a. Nhờ đó, nhiều làng vùng cao đã có những đổi thay.

Ở “cổng trời” Canh Liên, huyện Vân Canh, kỳ tích về điện, đường đã mở ra nhiều niềm vui lớn. Con đường bê tông vững chãi nối từ huyện về trung tâm xã là “giấc mơ có thật” nhiều năm qua. Ngay sau đó, đường bê tông tiếp tục trải khắp các làng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Ba Na nơi đây đi lại, làm ăn phát triển kinh tế. Hơn thế, các công trình về nước sạch, trường học cũng đã phần nào thu ngắn khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa xã vùng cao và các xã đồng bằng.

Vẫn còn nhiều bất cập

Có thể khẳng định, nguồn vốn 30a là chiếc đòn bẩy để các huyện nghèo của tỉnh Bình Định có bước phát triển, đi lên. Tuy vậy, việc sử dụng nguồn vốn 30a trong đầu tư, xây dựng các công trình còn bộc lộ những hạn chế, cần phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hầu hết, các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng thuộc vốn 30a huyện giao cho Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thực hiện. Trong quá trình thi công, huyện đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh giám định, giám sát từng loại công trình. Tuy nhiên, vẫn còn có sai sót xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Đối với các công trình có xảy ra sai sót, huyện rút kinh nghiệm, sửa chữa và khắc phục theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Nguồn vốn 30a đã giúp cho huyện Vân Canh có những công trình phục vụ tốt cho đời sống của người dân. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều công trình không phát huy tác dụng, gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước. Đơn cử như, công trình Nhà máy nước sạch Vân Canh được khởi công xây dựng năm 2012 và đưa vào hoạt động năm 2013. Tuy nhiên, chỉ hoạt động được vài tháng thì nằm “đắp chiếu” cho đến nay.

Việc các huyện miền núi Bình Định tận dụng tốt nguồn vốn 30a để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để nguồn vốn 30a phát huy hiệu quả hơn cũng đòi hỏi phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, qua đó nâng cao giá trị, chất lượng công trình.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.