Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Biến rơm, rạ, chất thải chăn nuôi thành sản phẩm có ích

Nguyễn Hưởng - 19:58, 25/09/2023

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang duy trì nhiều cách làm hay nhằm khai thác lợi thế từ nguồn phế, phụ phẩm chất hữu cơ trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Người dân xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa.
Người dân xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa.

Sử dụng hiệu quả

Tìm hiểu tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, nếu như trước đây sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân thường đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn phân hữu cơ hoặc chôn vùi rơm, rạ xuống đất gây nghẹt rễ cây trồng. Được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón, 500 hộ nông dân trên địa bàn xã đã áp dụng thực hiện trên diện tích 60ha.

Thực hiện mô hình này, các hộ dân cam kết không đốt, không vùi rơm, rạ tươi vào đất hoặc ruộng ngập nước. Thay vào đó, người dân phun chế phẩm sinh học lên ruộng lúa sau khi gặt, dùng chế phẩm này ủ giúp rơm, rạ phân hủy nhanh, tạo mùn cho đất. Bà con được hướng dẫn sử dụng rơm, rạ che đậy cho những cây trồng khác (dưa, hành, tỏi, khoai tây…) vừa có tác dụng giữ ẩm, vừa làm tơi xốp đất. Qua đánh giá, diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác này đã giảm được 20 - 30% lượng phân hóa học.

Gia đình ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng đang nuôi hơn 2.500 con lợn và được áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Ông sử dụng khí ga từ chất thải chăn nuôi chạy máy phát điện, đun nấu hoặc cung cấp nhiệt cho các hoạt động của trang trại, góp phần xử lý triệt để chất thải từ gia súc, gia cầm (mỗi năm tiết kiệm 300 - 350 triệu đồng tiền điện). Ngoài ra, ông dùng chất thải rắn từ chăn nuôi lợn, gia cầm để nuôi giun trùn quế, sinh khối giun phục vụ chăn nuôi, giúp giảm chi phí mua thức ăn, phân trùn quế được bán phục vụ hoạt động trồng trọt (mỗi năm cho thu lãi 250 - 300 triệu đồng).

“Nước thải từ hầm khí ga khi đem phân tích đủ điều kiện phục vụ lại trồng trọt (tưới cây) và chăn nuôi (rửa chuồng trại). Đây là mô hình chăn nuôi tuần hoàn được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá đã giảm tối đa về ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi”, ông Quê chia sẻ.

Rơm, rạ sau khi đã được xử lý bằng chế phẩm sinh học tạo ra độ mùn cho đất và trở thành phân bón hữu cơ.
Rơm, rạ sau khi đã được xử lý bằng chế phẩm sinh học tạo ra độ mùn cho đất và trở thành phân bón hữu cơ.

Cũng tại Yên Dũng, gia đình ông Hoàng Hữu Hùng ở xã Cảnh Thụy đang chăn nuôi hơn 100 con bò thương phẩm. Ngoài tận dụng nguồn rơm, rạ và thân cây ngô, khoai để làm thức ăn cho bò, số phân thải ra hằng ngày ông dùng men vi sinh xử lý để sử dụng một phần bón cho cây trồng, số còn lại được áp dụng công nghệ ép phân khô rồi bán cho các đầu mối thu mua phục vụ bón cây trồng. Từ cách làm này đã giảm chi phí mua thức ăn chăn nuôi và tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một trong những giải pháp được tỉnh đề ra đó là hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh thông qua chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để thành phân bón. Vừa góp phần giảm chi phí đầu vào, vừa tạo ra nguồn phân bón chất lượng để xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn, giấy chứng nhận hữu cơ. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để tạo phân bón và giá thể hữu cơ.

Điển hình như, tại huyện Lạng Giang, theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, hằng năm tổng lượng phế phụ phẩm nông nghiệp phát sinh khoảng 510 tấn, đã được các hộ gia đình thu gom tận dụng làm chất đốt (210,1 tấn, chiếm 41,2%), thức ăn gia súc (199,8 tấn, chiếm 39,2%), phân hữu cơ (69,9 tấn, chiếm 13,7%), phần còn lại (30,2 tấn, chiếm 5,9%) vận chuyển về các điểm tập kết, rồi thu gom về bãi rác tập trung của xã để xử lý.

Phân lợn sau khi ép khô được ông Hoàng Văn Quê sử dụng làm thức ăn cho giun trùn quế.
Phân lợn sau khi ép khô được ông Hoàng Văn Quê sử dụng làm thức ăn cho giun trùn quế.

Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, khối lượng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hầu hết là xác hữu cơ thực vật như thân, lá, vỏ, hạt, lõi… có chứa lượng dinh dưỡng nhất định, có thể hoàn trả, cải tạo lại cho đất hoặc chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này tại nhiều địa phương đang bị bỏ phí. Nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cho nông sản và bảo vệ môi trường, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động hội viên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng phân bón hóa học.

Trong đó, điểm nhấn là mô hình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học tại 18 xã thuộc 8 huyện. Đồng thời đang phấn đấu thành lập 72 tổ, nhóm với gần 4 nghìn người tham gia tuyên truyền nông dân sử dụng rơm, rạ đúng cách, hướng tới vận động 80% hội viên xóa bỏ tình trạng đốt, vùi rơm, rạ trực tiếp vào đất. Qua đó, giúp người dân hiểu được lợi ích cũng như phương pháp áp dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã cung ứng 3 nghìn kg chế phẩm sinh học trong chăn nuôi cho 120 hộ và 30 trang trại, xây dựng được 15 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học cho chăn nuôi lợn, gà, vịt tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên… Cách làm này đã phát huy hiệu quả cao và được nhiều hộ dân áp dụng.

“Để phát huy hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thời gian tới ngành chức năng và các địa phương cần quan tâm nghiên cứu, ứng dụng những chế phẩm sinh học thế hệ mới trong xử lý phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng mô hình điểm, cách làm hiệu quả trong sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn và tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường…”, ông Lã Văn Đoàn cho biết thêm.


 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.