Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Biến rau dại trở thành đặc sản

Việt Thắng - 15:36, 24/07/2022

Trong bài Sông Lam, tác giả Trần Mạnh Hảo có câu thơ nức lòng người xứ Nghệ: “Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/ Đồ Nghệ sông Lam dạy biển cả học bài”. Nhưng đó là thơ. Còn đời thực, có một chàng trai trẻ ở vùng bãi ngang thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), đã biến rau dại trở thành đặc sản.

Trần Văn Quân giới thiệu về cánh đồng rau nhót của mình
Trần Văn Quân giới thiệu về cánh đồng rau nhót của mình

Gập gềnh khởi nghiệp

Trần Văn Quân được gọi là Quân “liều”, bởi ai dám đi vay những nửa tỷ đồng để đầu tư trồng rau dại bao giờ. Bao lời gièm pha của người đời, bao lần cản ngăn của gia đình cũng không ngăn được quyết tâm của chàng trai trẻ ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), biến rau dại phải trở thành đặc sản, cho thu nhập cao.

Quân tâm sự, quê em nghèo, xưa bà con toàn phải hái rau nhót, một loại cây mọc hoang dại ven đầm tôm, cạnh đồng muối về ăn. Tiếng là cây hoang dại nhưng lại rất ngon, có vị mặn lẫn chua thanh thanh, tốn cơm lắm.

Thế rồi những câu hỏi đã đến với Quân, tại sao không thuần dưỡng loài rau này để nó trở thành món ăn cao cấp, có giá trị, mang lại thu nhập? Những đêm mất ngủ, những chiều lang thang “tâm tình” với cây rau nhót lại thôi thúc Quân khởi nghiệp.

Năm 2018, một quyết định “vĩ đại” đầu tiên trong đời được Trần Văn Quân chính thức công bố: Thuần dưỡng cây rau nhót. Dù gia đình và người thân nhiều lần can ngăn, rằng “ai lại đi trồng rau dại bao giờ, rồi có khi còn mất cả nhà…”, nhưng Quân vẫn không nản chí. Anh đã thuê được 1 ha đất ven biển, nơi mà anh cho rằng khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với loài rau dại này.

Sau khi vay mượn được hơn 500 triệu đồng, anh bắt tay ngay vào cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới tự động, xây dựng hệ thống kênh mương…Tiếp đến, Quân phải ngược xuôi tìm các trại chăn nuôi gà, mua phân gà về ủ phân vi sinh, bón cho rau. Khi mọi việc đã hòm hòm, Quân thuê người dân địa phương tìm nhổ rau nhót về trồng. Các điều kiện cần và đủ đã có; nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống đều đã sẵn sàng, tưởng chừng “chờ ngày để gặt”, thì mùa đầu tiên ấy, Quân bị lỗ chỏng vó.

Loài cây mọc hoang dại này, không là giống “dễ ăn” như anh nghĩ. Xanh tốt được một thời gian thì cây cứ lụi dần rồi chết. Không nản chí, Quân tiếp tục lứa thứ 2, cũng không khá hơn. Lúc này thì ai cũng khuyên Quân bỏ cuộc. Họ cho rằng, dừng lại sớm thì đỡ lỗ vốn hơn. Nhưng, Quân vẫn tin rằng, sẽ thuần dưỡng thành công loài rau này. “Có khó trồng thì mới quý, cây rau nhót càng có giá trị kinh tế cao”,  Quân quả quyết.

Khổ thân Quân. Sau một năm miệt mài, cây rau đã “chịu nghe lời chủ”, đã mơn mởn chồi non, thì gặp lúc dịch Cvid-19 bùng phát. Bán cho ai bây giờ? “Nhìn cánh đồng rau xanh tốt mà đau lắm, có làm mà không được ăn. Em lại phải tự động viên mình, dù sao cũng đã thuần dưỡng được nó, dịch bệnh chắc chắn sẽ hết, rau mình chắc chắn sẽ được tiêu thụ” , Quân nói như thế.

Trang trại rau nhót bạt ngàn của chàng trai trẻ Trần Văn Quân
Trang trại rau nhót bạt ngàn của chàng trai trẻ Trần Văn Quân

“Làm ăn lớn tính chuyện đi xa”

Dịch bệnh được đẩy lùi, những chuyến hàng rau nhót của Quân đã có mặt ở một số quán ăn. Món nộm rau nhót rất được thực khách ưa chuộng, nên ngày một nhiều đơn hàng đến với Quân.

Chàng thanh niên trẻ cho biết: “Trầy vi tróc vảy em mới tìm ra đặc tính của loài cây này, và nay thì công việc chăm sóc nó không còn là việc khó nữa”. Cũng theo Quân, cây rau nhót hoang dại chỉ có vòng đời khoảng 3 tháng, còn cây rau của Quân thì chu kỳ kéo dài đến 11 tháng, nhất là khi mình chăm sóc tốt, thì gần như thu hoạch quanh năm, mỗi tháng có thể cho vài ba lứa. “Đơn giản thôi, cứ cắt phần ngọn, sau đó nó lại tự mọc lớp chồi mới” , Quân hồ hởi nói.

Chúng tôi hỏi Quân về thị trường tiêu thụ? Bạn ấy thành thật: Ban đầu em đi nhập cho các quán ăn trên địa bàn và mang ra chợ bán. Khi rau nhiều lên, em phải đi tiếp thị ở các nhà hàng lớn trong tỉnh, và bây giờ thì đã phân phối đến một số tỉnh phía Nam. Giá rau nhót hiện nay, là từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Vị chi mỗi hecta, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập đến 500 triệu đồng.

Và Quân “liều” cũng không giấu diếm về kế hoạch phát triển của mình: Em đang khảo sát đất ở một số tỉnh phía Nam để mở rộng sản xuất rau nhót, vì thị trường ở khu vực này rất tiềm năng. Đoạn cậu cười rất tươi và rằng, ngày xưa em cứ nghĩ đây là loài rau dại chống đói, và cũng chỉ có người Nghệ ưa chuộng, ai ngờ vùng miền nào cũng thích rau nhót, thế rồi nó trở thành đặc sản lúc nào không hay.

 “Rau nhót chế biến tương đối đơn giản nhưng nhược điểm là tốn thời gian. Vì thế mà em đang dự tính chế biến thêm một số sản phẩm từ rau nhót như: Bánh rau nhót, mì rau nhót, trà rau nhót…”,  Quân chia sẻ.

Chúng tôi nói lời chúc mừng thành công của Quân, chúc mừng em đã lọt tốp đầu cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh nhà, Quân khiêm tốn: Ban đầu em chỉ mong thoát được kiếp nghèo rồi vươn lên kha khá một chút, chứ có dám nói mình là sáng tạo với lại tài năng gì đâu.

Chia tay Quân giữa mùa gió Lào như rang, tôi lõm bõm bài hát “Gương mặt Quỳnh Lưu” của Đôn Truyền: “Làm ăn lớn tính chuyện đi xa, mở đường cho máy tiến về đồng ta. Niềm vui mới bao la…”.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.