Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Biển ngày càng gần hơn: Bài 1: Đi qua những ngôi làng không nguyên vẹn

PV - 15:49, 03/07/2018

Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, biển xâm thực mạnh gây sạt lở nghiêm trọng tới nhiều ngôi làng ven biển ở các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi. Tình trạng này, khiến không ít ngôi làng bị “ngoạm” mất nhiều diện tích đất, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Chưa bao giờ tình trạng sạt lở, biển xâm thực tại các ngôi làng ven biển ở miền Trung lại diễn ra gay gắt như hiện nay. Nhiều ngôi làng nằm chơ vơ bên mép sóng, hiểm nguy luôn rình rập, đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Cần phải có một giải pháp bền vững để người dân an cư, lạc nghiệp.

Nhiều đêm, người dân có nhà nằm dọc theo bờ biển xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) chẳng dám ngủ. Mọi người cùng thức canh tới sáng và bất lực nhìn những đợt sóng biển khoét sâu vào đất liền hàng chục mét, rồi cuốn phăng ra biển. Trải qua 60 năm gắn bó với làng An Vĩnh (Tịnh Kỳ), ông Phạm Ngọc Thanh là một trong những nhân chứng tận tường những thăng trầm của vùng đất hai phía giáp biển, một phía cạnh sông này.

Ông Huỳnh Văn Lân, xóm Chánh Đông, thôn Trung Lương, Cát Tiến chỉ tay về phía biển, nơi trước đây có hàng trăm ngôi nhà của người dân làng chài. Ông Huỳnh Văn Lân, xóm Chánh Đông, thôn Trung Lương, Cát Tiến chỉ tay về phía biển, nơi trước đây có hàng trăm ngôi nhà của người dân làng chài.

Ông Thanh kể: “Khoảng mười mấy năm về trước, sân vận động An Vĩnh và tòa nhà nằm trên sân vận động, cách mép nước chừng 500-600m. Vậy mà bây giờ, từ tòa nhà bước ra biển, chỉ còn cỡ 100m là cùng. Biển đã lấn vào đất làng nhanh đến không thể tưởng tượng nổi”.

Sống ngay bờ biển thôn An Kỳ (Tịnh Kỳ) mấy chục năm nay, nên mùa mưa bão năm nào, gia đình ông Trần Văn Sự cũng phải di dời tài sản và sang nhà khác trú tạm. “Không có kè chắn sóng, nên mỗi lần bước vào mùa mưa bão, sóng biển có khi đánh vào đến tận cửa nhà. Qua mỗi mùa mưa bão, biển lại gần nhà tôi thêm một đoạn. Không biết đến đời con cháu mình, có còn giữ lại được ngôi nhà, mảnh đất này nữa không?”, ông Sự thở dài.

Người dân thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định) nhiều năm nay cũng phải sống thắc thỏm âu lo trước cảnh bị sóng “ăn”. Làng cứ thu hẹp dần, ngày càng lùi sâu lại và cứ mỗi mùa mưa lũ lại teo tóp thêm. Mỗi khi nhìn ra biển, ánh mắt của người dân luôn khắc khoải, lo âu.

Gắn bó với xóm chài Chánh Lương, thôn Trung Lương đã hơn nửa đời người nên bà Nguyễn Thị Nề chẳng còn lạ gì chuyện bão về làng chài. “Ngồi trong nhà mà tim cứ đập thình thịch theo từng đợt sóng úp bờ. Tính từ năm 1975 đến nay, đã có tất thảy 6 lớp nhà với hơn 100 ngôi nhà bị sóng đánh úp. Tình trạng biển xâm thực ngày một nghiêm trọng. Riêng nhà tôi, trước đây khoảng cách từ chân tường đến miệng sóng khoảng 30m, nhưng giờ cũng chỉ còn chưa đầy 2m”, bà Nề kể.

Ông Huỳnh Văn Lân, ở xóm Chánh Đông tính toán, cứ như cái kiểu biển nó “ngoạm” bờ mấy năm qua thì vài năm nữa thôi, làng này chẳng còn được mấy nhà. Vài năm trước, những căn nhà này cách mép sóng tới mấy trăm thước. Bây giờ chỉ còn chừng vài chục bước chân. Sóng vỗ là nhà rung rinh. Mùa biển động, có lúc sóng xô vào đến tận nhà, đánh vào vách đá bọc trước nhà. Dân biển thì phải bám biển mới sống được. Vả lại cũng quen, biển lấn đến đâu mình chạy đến đó.

Đã hơn nửa năm trôi qua, người dân tại xóm Rớ, khu phố 6, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại trận triều cường xảy ra vào cuối năm 2017. Chỉ sau 3 ngày, biển dữ đã “xóa sổ” nguyên một cảng đóng tàu với diện tích 10.000m2, nằm bên cửa biển Đà Diễn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Chưa dừng, biển đang muốn “ăn” luôn khu neo đậu tàu thuyền ở cảng cá Đông Tác. Trước mắt, tỉnh Phú Yên đã phải huy động phương tiện, nhân lực sử dụng trên 10.000m3 đá khẩn cấp gia cố bờ kè trước xóm Rớ về phía Bắc, để ngăn triều cường công phá.

Trước thực trạng biển ngày càng lấn sâu vào làng, việc di dời, tái định cư cho bà con được các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc di dời gặp rất nhiều khó khăn, do đa số bà con sống bằng nghề biển nên vẫn muốn bám biển. Hơn nữa, chi phí để bà con ổn định ở nơi ở mới là rất lớn. Đa số hộ dân đều nghèo nên dù biết là nguy hiểm vẫn cứ ở lại. Ngoài ra, vấn đề giải quyết việc làm cho bà con tái định cư chưa được các ngành quan tâm đúng mức. Ông Hồ Văn Hiến, một người dân ở làng chài An Phú, Phú Yên trăn trở: “Dù biển có gặm hết nhà cửa, đất đai thì cũng chịu. Chúng tôi vẫn phải ở lại vì nếu giờ vác rớ mành, thúng thuyền lên cao thì sống bằng nghề gì bây giờ!”.

Trong khi bài toán ứng phó với sạt lở và tái định cư vẫn còn chưa có lời giải, người dân vẫn sống nơm nớp bên bờ sạt lở, hết kêu cứu rồi đến bỏ chạy khi biển “nổi giận”. Chia tay làng chài, điều khiến chúng tôi nhớ mãi vẫn là hình ảnh những đứa trẻ. Giữa những lối đi đầy cát, chúng vô tư vui đùa và khi nhìn những ngôi nhà đong đưa bên mép sóng, chúng tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến mùa mưa bão đang đến gần!.

Lê Phương

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.