Qua kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng trong công tác ứng phó bão Noru.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng lưu ý, rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai mưa lũ lịch sử trong những năm gần đây, công tác phòng, tránh bão không chỉ trên biển mà chú trọng, quyết liệt ở vùng núi cao nguy cơ sạt lở. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu địa phương thành lập các tổ đội bảo vệ tài sản cho ngư dân khi đã vào bờ tránh trú bão, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung. Đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, sẵn sàng tham gia khi có tình huống phức tạp nảy sinh.
Đặc biệt, cần đề phòng ảnh hưởng của bão thường đi kèm với mưa lũ gây sạt lở núi khó lường. Bên cạnh công tác di dân, lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai chốt chặn, bảo đảm an ninh trật tự tại điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét... không chủ quan, lơ là trước và sau khi bão Noru đi qua.
Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không bảo đảm phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: Nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trạm y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng...
Hiện, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh với hơn 2.300 chiếc, trên 6.100 lao động cùng 16 thuyền/126 lao động ngoại tỉnh đã vào neo đậu tại các bến.
Còn tại huyện miền núi Hướng Hóa, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, các Đồn Biên Phòng đóng trên địa bàn cũng đã cử chiến sĩ xuống giúp đồng bào chằng chống lại nhà cửa. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, tại thôn Cù Bài, xã Hướng Lập các chiến sĩ Đồn Biên phòng đang khẩn trương giúp dân. Nhà anh Hồ Văn Bằng, được các chiến sĩ dùng bao tải cát để đè mái nhà chắc chắn. Một số hộ gia đình đồng bào khác cũng đã được chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập chằng chống chắc chắn
Cùng với đó, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã huy động 20 chiến sĩ giúp đồng bào ở Hướng Lập gặt lúa để chạy bão. Tại thôn ù Bài xã Hướng Lập có khoảng 25 ha lúa đang vào độ chính. Để bảo đảm lương thực cho đồng bào DTTS, các chiến sĩ Đồn Biên phòng cùng đồng bào đang khẩn trương thu hoạch lúa để chạy bão. Tất cả được triển khai bài bản, khẩn trương. Song song với đó, công tác tuyên truyền để đồng bào tránh trú đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ cũng được thực hiện liên tục.
Chính Quyền địa phương huyện Hướng Hóa cũng đã triển khai nhiều phương án để ứng phó với bão Noru. Đối với vùng đồng bào DTTS, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, các xã đã cử đoàn đi kiểm tra. Huy động lực lượng và phương tiện để cùng đồng bào chằng chống lại nhà của bảo đảm an toàn. Ở các vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét cử người theo dõi trực 24/24 để kịp thời báo cáo và đưa ra phương án ứng cứu theo kịch bản chuẩn bị sẵn
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Địa phương đang thực hiện nghiêm công điện của Chính Phủ, của tỉnh về công tác phòng chống bão Noru. Sáng 27/9, được xác định là khoảng thời gian vàng trong công tác phòng chống và ứng phó với bão.