Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bh’riu Pố - “Vua ba kích” ở Trường Sơn

Khánh Nguyên - 15:49, 07/10/2020

Người ta nói về ông, về những gì ông đóng góp cho quê hương hệt như dòng suối chảy róc rách theo nhịp vui giữa rừng già. Ông truyền cảm hứng cho bao thế hệ trẻ người Cơ Tu bằng niềm say mê với nghề trồng cây dược liệu và cả việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ông Pố tham gia phục dựng cây nêu truyền thống tại lễ hội văn hóa địa phương
Ông Pố tham gia phục dựng cây nêu truyền thống tại lễ hội văn hóa địa phương

Ông Bh’riu Pố, 71 tuổi, trú tại thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam), người được biết đến với danh xưng “Vua ba kích”. Nhưng sẽ không còn mới mẻ nếu chỉ nói về ông với danh xưng “Vua ba kích”. Là bởi, những gì ông làm cho người Cơ Tu còn hơn thế. Ông từng là giáo viên, là người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học.

“Mình phải thoát nghèo trước”

Hơn 40 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Pố trở về làng. Không cam chịu đói nghèo, sau những ngày đứng lớp, ông lại ngược núi để tìm loại cây “thuốc giấu” của đồng bào miền núi vốn đã thất truyền. Và cũng chính ông, sau này mới biết đó là cây ba kích. Vốn tốt nghiệp khoa Sinh vật (Trường Đại học Thái Nguyên), lại ham tìm hiểu các bài thuốc từ sách báo, ông Pố nắm rất rõ về những vị thuốc dân gian truyền thống. 

“Ngày đó, khi cái nghèo, cái đói vẫn còn ám ảnh trong từng giấc ngủ của bà con, tôi đã suy nghĩ làm thế nào để chuyển đổi phương thức sản xuất cho hiệu quả. Tôi quyết định gom hết tài sản dành dụm của gia đình để mua cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do Giáo sư Đỗ Tất Lợi biên soạn về nghiên cứu. Đây thực sự là một quyết định liều lĩnh lúc bấy giờ, vì cái đói trước mắt không lo lại lo đi mua sách”, ông Pố nói về cơ duyên để ông trở thành “Vua ba kích” như bây giờ.

Nhưng có lẽ chính quyết định này, cộng với những kiến thức đã được học tại trường đại học và sự giúp đỡ của Tiến sĩ Ngô Trại (Viện Giống cây trồng quốc gia) đã giúp ông trở thành người đầu tiên ở Quảng Nam làm giàu từ cây ba kích. Hiện, gia đình ông có trang trại dược liệu rộng gần 3ha dưới chân núi Adương với hơn 5.000 cây ba kích, cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Cách đây vài năm, ông từng đại diện tỉnh Quảng Nam tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. 

“Tôi đã làm được và thành công từ cây ba kích, nên quay lại giúp đỡ bà con dân làng về cách trồng, chăm sóc cây dược liệu này. Ba kích rất dễ trồng, nhưng mình phải làm trước, phải thoát nghèo trước thì bà con mới nghe theo. Sau này, ngoài cây ba kích, gia đình tôi còn mở rộng diện tích vườn đồi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, kết hợp trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, quýt, cam, cây Tr’đin, tà - vạc… Đồng thời cải tạo khe suối làm ao nuôi cá với diện tích 1.500m2, chăn nuôi bồ câu, bò và các loại gia cầm khác”, ông Pố cho biết thêm.

Một vườn ươm ba kích ở xã Lăng, huyện Tây Giang
Một vườn ươm ba kích ở xã Lăng, huyện Tây Giang

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Ngoài biệt danh “Vua ba kích”, ông Pố còn được người ta nhắc đến là nghệ nhân của dân làng. Ông làm tất tần tật mọi thứ, từ truyền dạy nói lý - hát lý, điêu khắc, cho đến tham gia dựng gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), phục hồi họa tiết trụ X’nur (cây nêu) truyền thống...

Năm 2017, ông được các già làng đề cử làm người thiết kế và chỉ huy đội nghệ nhân phục dựng cây nêu truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Với trách nhiệm của người chỉ huy, ông nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết bảo đảm nguyên bản nhất theo sự “thẩm định” của các già làng. Những hình ảnh về thiếu nữ say điệu da dá, về cánh hoa đh’lôm bung nở giữa rừng… được ông khắc họa trên từng thân cột thiêng như một thứ tài sản vô giá dành lại cho con cháu. “Văn hóa là cái gốc, là “dây chuyền vàng” mang những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc được cha ông dày công xây dựng, vun đắp, nên bằng mọi giá phải giữ lấy. Đó cũng là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng”, ông Pố tâm sự. 

Nhà gươl của đồng bào Cơ Tu
Nhà gươl của đồng bào Cơ Tu

Ông Palăng Bưng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang cho biết, đến nay ông Pố đã có hơn 200 tác phẩm điêu khắc mang âm hưởng đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, bao gồm các tượng, phù điêu, cột lễ... Đặc biệt, ông cùng các nghệ nhân, già làng trên địa bàn huyện phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và gươl cộng đồng, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu của huyện. “Bằng các tác phẩm điêu khắc của mình, ông Pố đã góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước. Nhờ vậy, văn hóa Cơ Tu càng được nhiều người biết đến”, ông Bưng nói.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.