Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mô hình làm du lịch sinh thái của già làng Mà A Giá

Thành Nhân - 10:46, 07/08/2020

Người T’rin (một nhánh của dân tộc Cơ Ho) tại xã Giang Ly, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vốn yêu rừng và sống gắn bó với rừng, nhưng lâu nay chưa ai nghĩ đến việc tận dụng rừng để làm du lịch sinh thái. Mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ của đồng bào mình, hơn 10 năm nay, già làng Mà A Giá âm thầm giữ rừng, giữ nước để làm nên một khu du lịch sinh thái cuốn hút giữa đại ngàn mang tên Mà Giá.

Một góc của khu du lịch sinh thái Mà Giá
Một góc của khu du lịch sinh thái Mà Giá

Già làng Mà A Giá năm nay ngoài 80 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, nhiều năm làm Chủ tịch UBND xã Giang Ly. Già Mà A Giá kể: Trước đây, khi còn làm công tác ở xã, đồng bào DTTS ở địa phương mới biết trồng lúa nước nhưng năm nào các cánh đồng cũng đối mặt với khô hạn. Nhà đông con nên gia đình già chọn chỗ ở phía thượng nguồn suối Lách để khai hoang, nhường các vạt đất bằng ven sông, suối cho bà con trong làng.

Một lần bạn bè từ dưới tỉnh lên thăm ông, thấy nơi đây nhiều cây cối, dòng suối nước chảy róc rách đã khuyên ông làm du lịch. Từng tham gia kháng chiến, rồi giữ cương vị lãnh đạo một xã miền núi nhưng làm du lịch đối với ông thật lạ lẫm. Nhiều đêm không ngủ, ông nhận ra: Làm du lịch là tạo chỗ mát mẻ để người ta đến nghỉ mát. 

 Không có kinh nghiệm, không có tiền... nhưng đã quyết là làm. Mấy cha con ông vác rựa, đưa gạo lên rẫy quyết làm du lịch. Sau nhiều năm gây dựng, cải tạo, khu rẫy của gia đình đã trở thành một khu du lịch sinh thái giữ được nét hoang sơ với cây rừng xanh tốt, nước suối chảy quanh năm không chỉ giúp ông có chỗ nghỉ mát mà còn giữ nguồn nước cho dân làng. Từ 4 - 5 chòi ban đầu, nay khu nghỉ mát đã có gần 40 chòi ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, rộng 3 ha. Sau 15 năm duy trì hoạt động, những công trình phụ trợ tiếp tục mọc lên hoàn chỉnh... đáp ứng nhu cầu nghỉ mát của du khách xa gần, nhất là dịp lễ, Tết.

Anh Nguyễn Văn Chung, ở TP. Nha Trang là một trong những du khách thường xuyên đến khu du lịch sinh thái Mà Giá chia sẻ: Ban đầu nghe bạn bè truyền tai nhau ở Giang Ly có một khu du lịch hoang sơ, có nhiều cây cối như rừng nguyên sinh, nước suối từ trên rừng chảy xuống rất mát mẻ nên tôi tò mò đến thăm. Sau lần đó, tôi như “nghiện” không khí mát mẻ, trong lành nơi đây và mỗi khi rảnh rỗi là tôi lại phóng xe lên đây.

Những năm đầu mới thành lập, Mà A Giá không thu tiền của du khách. Khách đến chơi thích thì ủng hộ gia chủ ché rượu cần hay con gà nhà nuôi được, không có cũng chẳng sao. Sau thời gian, lượng khách quá đông, già làng Mà A Giá thu mỗi người 20 ngàn đồng để bảo đảm chất lượng phục vụ, trả lương cho 5 nhân viên là người Cơ Ho, Raglay ở trong làng, số còn lại được dùng để chăm sóc cây cối, dựng thêm lều sạp, xây thêm các công trình phụ trợ... 

Theo bà Ka Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, già làng Mà Giá là người DTTS đầu tiên ở địa phương làm du lịch sinh thái. Việc làm của ông giúp đồng bào thấy được lợi ích thiết thực của việc giữ rừng là vô cùng quan trọng.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.