Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bế mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PV - 17:54, 12/10/2022

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 16 sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tập trung và trách nhiệm cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, trọng tâm là cho ý kiến đối với các nội dung để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và xem xét một số vấn đề thuộc thẩm quyền.

Công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 cơ bản hoàn tất

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung của Kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, và đến nay cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định.

Từng nội dung đã được các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành kết luận cụ thể. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan sớm ban hành ngay các kết luận để các cơ quan hữu quan kịp thời tiếp thu, chỉnh lý để có căn cứ triển khai thực hiện.

Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan bám sát kết luận của phiên họp, khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện, bảo đảm hồ sơ, tài liệu được gửi sớm nhất có thể và với chất lượng cao nhất để các vị đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và có ý kiến sâu sắc, chất lượng tại Kỳ họp sắp tới.

Nhấn mạnh thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 4 không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung cao độ, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, với sự đồng thuận cao.

Trước đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, và cho ý kiến vào một số nội dung liên quan.

Quang cảnh phiên bế mạc.
Quang cảnh phiên bế mạc.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày

Đối với nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022, nội dung này phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, do hiện nay Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 mới cho ý kiến định hướng, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ phải chuẩn bị bảo đảm chất lượng, tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình Kỳ họp thứ 4.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, do Chính phủ gửi tài liệu muộn không bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp cho ý kiến.

Kết luận nội dung thảo luận về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc ngày 20/10, bế mạc chiều ngày 15/11, hình thức họp tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội.

Cơ bản đồng ý với dự thảo nội dung chương trình cho từng ngày, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ dành khoảng 1,5 ngày để thảo luận về kinh tế-xã hội, trong đó có bổ sung thảo luận, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, và xem xét, quyết định đề nghị của Chính phủ kéo dài thực hiện Nghị quyết thêm 1 năm.

Bên cạnh đó, nội dung thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được bố trí khoảng cách 9-10 ngày giữa thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường để các cơ quan có thời gian tổng hợp, tiếp thu, giải trình, bởi đây là dự án luật rất quan trọng.

Thời lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình xung đột Nga-Ukraine và các tác động đến nước ta. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối để phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.