Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khai mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PV - 10:16, 10/10/2022

Sáng 10/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 16.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, căn cứ tình hình thực tiễn, căn cứ kết quả Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, cập nhật tình hình trong nước và quốc tế để cho ý kiến đánh giá về những kết quả, thành tựu nổi trội của năm 2022.

Đồng thời cho ý kiến về những vấn đề còn tồn tại, yếu kém, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm cũng như quan điểm chỉ đạo, giải pháp cho năm 2023 trong điều kiện tình hình còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, cả về dịch bệnh, địa chính trị, địa kinh tế trên toàn cầu.

Nội dung thứ hai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp là các báo cáo của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba của Quốc hội; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; báo cáo công tác dân nguyện tháng 9-2022 của Quốc hội.

Nội dung thứ ba mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là một số nội dung phát sinh, Chính phủ mới có đề xuất từ Phiên họp thứ 15 đến nay. Đó là báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết này đã trao những phương pháp, giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những quyết đáp phòng, chống dịch Covid-19. Thời hạn có hiệu lực của nghị quyết là hết 31/12/2022, khi đó mọi văn bản có liên quan đến nội dung này cũng chấm dứt hiệu lực theo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động rất tích cực của Nghị quyết 30, góp phần vào thành tích chung của nước ta trong mấy năm nay, nhất là trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội với vấn đề này trên cơ sở căn cứ vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng cụ thể. Trên cơ sở đó phân tích trách nhiệm nào thuộc về Nhà nước, trách nhiệm nào thuộc về nhà đầu tư, phương án giải quyết như thế nào.

"Tinh thần là bám sát thực tế, cái gì cần thiết, có căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và đã chín muồi thì trình Quốc hội quyết định một cách thấu lý, đạt tình", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nội dung thứ tư được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Nếu đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Đây là nội dung triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và có một số nội dung quy định khác với Luật Ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ban hành nghị quyết riêng về nội dung này hoặc đưa vào làm một phần nghị quyết chung của kỳ họp, trên tinh thần vừa bảo đảm chất lượng đồng thời tiết kiệm tối đa thời gian cho kỳ họp.

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự. Cụ thể là việc trình Quốc hội quyết định kiện toàn các chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước, một số bộ trưởng, trưởng ngành; đồng thời cho ý kiến, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một số nhân sự cụ thể.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về chương trình, nội dung Kỳ họp thứ tư; bộ nhận diện mới của Quốc hội…

Nhấn mạnh rằng quỹ thời gian chỉ có 3 ngày, nhưng khối lượng công việc rất lớn, trong đó có những việc rất khó, chưa có tiền lệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, khí thế của các phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cho ý kiến kỹ lưỡng, sôi nổi vào các nội dung; đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan bố trí thành phần dự họp theo đúng thẩm quyền, chức trách được giao, góp phần để phiên họp thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

* Sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiếm về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Cùng đó, cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9-2022./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.