Nguyên nhân sự việc cũng chỉ vì Dương trót làm mất chiếc xe đạp điện của bạn mà sa vào bẫy “tín dụng đen”. Cậu kể lại mà vẫn còn run, cuối năm 2016, Dương mượn xe đạp điện của bạn cùng lớp đi mua sách và bị mất. Để có tiền mua đền xe, cậu được bạn cùng khu trọ chỉ cho cách là ra siêu thị điện máy mua trả góp một chiếc điện thoại iphone 6 có giá 24 triệu đồng mà chỉ phải trả trước 30% (khoảng 7 triệu đồng). Làm xong thủ tục, chiếc điện thoại này sẽ được bên công ty tài chính mua lại với 80% giá trị (khoảng 19 triệu đồng). Vậy là Dương được cầm về 12 triệu đồng. Mỗi tháng cậu phải trả cho ngân hàng khoảng 3 triệu đồng.
Để trả nợ tiền mua điện thoại, Dương “bóp mồm bóp miệng” ăn mì tôm cả tháng. Cậu cũng đi làm thêm nhiều nơi nhưng còng lưng làm cũng chẳng được bao nhiêu. Đến kỳ trả nợ, Dương lại phải đi “xoay” vay khắp nơi để trả cho ngân hàng.
Khi xử lý xong món nợ mua điện thoại thì tổng số tiền Dương vay mọi người đã lên tới 20 triệu đồng. Bạn xóm trọ tiếp tục “tư vấn” cho Dương vay từ chính người đã mua lại chiếc điện thoại trả góp 6 tháng trước với lãi suất 3 nghìn đồng/1 triệu/ngày. Dương nhẩm tính vay 20 triệu, mỗi ngày trả lãi 60 ngàn đồng, thấy có vẻ cũng... không cao lắm nên gật đầu đồng ý.
Một lần nữa cậu sinh viên non nớt lại nhầm, vì tiếng là cho vay 20 triệu, song chủ nợ đã “cắt” luôn 20%, chỉ còn lại 16 triệu đồng. Mỗi tháng Dương phải trả cả gốc lẫn lãi tới gần 6 triệu đồng. Cứ chậm trả tháng nào thì tiền gốc, lãi sẽ bị “chồng” tiếp lên món nợ mới. Đến cuối năm thứ hai đại học, số nợ của Dương đã lên tới cả trăm triệu đồng.
Tin vào những lời rao hấp dẫn như: “Mua lại hàng trả góp giá cao”, “Cho vay không cần thế chấp”… không ít người thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh táo… đã và đang trở thành “chúa chổm” chỉ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác với bẫy tín dụng đen kiểu mới này.