Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Báu vật truyền đời của bản Lạ

Việt Thắng - 17:09, 11/03/2022

Người dân bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) đang lưu giữ bức tượng Phật bằng đồng được dân bản góp tiền để đúc từ hơn 200 năm trước, như báu vật của bản. Và những câu chuyện kỳ bí về bức tượng này vẫn đang được bà con kể lại…

Bức tượng Phật - báu vật truyền đời của bản Lạ đang được thờ tại nhà văn hoá cộng đồng
Bức tượng Phật - báu vật truyền đời của bản Lạ đang được thờ tại nhà văn hoá cộng đồng

Bức tượng linh thiêng

Bức tượng Phật bằng đồng có màu đen, với chiều cao hơn 0,7 mét, nặng hơn 50 kg đang được thờ tại Nhà văn hoá cộng đồng bản Lạ, thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Cựu giáo chức Lô Văn Đoàn, công dân của bản Lạ, là người dày công nghiên cứu về bức tượng quý này.

Theo ông Đoàn, bản của ông được hình thành từ năm 1757. Bấy giờ, cách bản Lạ không xa, ở xã Thạch Giám có một ngôi chùa, có nhiều người theo đạo Phật. Với mong muốn có đấng linh thiêng chở che, phù hộ nên dân bản Lạ đã góp tiền của để đúc nên bức tượng này.

Theo nhiều người cao tuổi của bản truyền lại, khi đúc pho tượng này có rất nhiều chuyện lạ xảy ra. Phải mất đến ba lần đúc tượng Phật mới thành. Hai lần trước, cứ mở khuôn thì tượng lại bị khuyết tay hoặc chân. Sau khi rà soát công việc, dân bản phát hiện ra là có một người phụ nữ goá chồng không đóng góp kinh phí đúc tượng. Được bà con vận động, bà  đã đồng ý cúng dường, và pho tượng ra lò đúng như trông đợi.

Lễ thỉnh tượng và xây bảo tháp ở bản Lạ ngày bấy giờ được cho là rất trang nghiêm và linh đình. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phần vì phải chạy giặc, phần thì bảo tháp đã bị tàn phá nên bà con phải mang tượng Phật theo cùng. 

Cho đến năm 1953, bà con quay về bản cũ, do không còn tháp nên bà con quyết định tượng Phật được thờ ngay tại nhà trưởng bản. Cũng kể từ đó, ai lên làm trưởng bản cũng được nhận vinh dự thờ và bảo quản tượng Phật. Năm 2005, bản Lạ được đầu tư xây dựng nhà văn hoá, bà con lại quyết định rước tượng Phật về nhà văn hoá để thờ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân bản Lạ không phải là phật tử, nhưng ai cũng quý trọng bức tượng, họ coi đó là báu vật truyền đời của bản. Cựu giáo chức Lô Văn Đoàn lí giải: Nhiều người cho rằng, nhờ có bức tượng, mà bản chúng tôi rất yên bình, bà con hoà thuận, ít bệnh tật xảy ra. Hầu hết các gia đình ở đây giữ gìn được nếp gia phong, cháu con phương trưởng.

Ông Lô Văn Đoàn nói về bảo vật của bản Lạ
Ông Lô Văn Đoàn nói về bảo vật của bản Lạ

Báu vật không thể mất

Cũng theo ông Đoàn, bức tượng Phật của bản Lạ đã rất nhiều lần bị trộm, nhưng cứ mất rồi lại tìm thấy. “Có thể do bức tượng bằng đồng, lại có màu đen, kẻ xấu nghĩ là đồng đen nên nhiều lần tìm cách ăn trộm bức tượng.”- ông Đoàn cho biết.

Chính ông Đoàn đã 3 lần chứng kiến bức tượng bị mất trộm. Lần thứ nhất là vào năm 1987, bức tượng được thờ ở nhà trưởng bản, thì bị bọn xấu phá vách trộm mất. Ông Đoàn đã lập đàn, làm chủ tế để xin Đức Phật hiển linh để tượng quý trở về với người dân. Chừng 20 ngày sau, người dân phát hiện bức tượng bị bỏ lại bên bờ suối.

Năm 1990, bức tượng một lần nữa bị đánh cắp. Ông Đoàn tin rằng, Đức Phật linh thiêng sẽ sớm trở về với dân bản. Đúng như thế, chỉ ít ngày sau chính những kẻ ăn cắp đã mang tượng về trả lại cho bản.

Lần thứ 3 bức tượng bị trộm là năm 2006. Lúc này bức tượng đã được rước đến thờ ở nhà văn hoá cộng đồng. Lợi dụng đêm tối, trời mưa to gió lớn, bọn trộm đã phá cửa và đưa bức tượng đi. Một buổi sáng, một người dân bản Lạ đi cắt cỏ, thấy có mấy người lạ nhảy trên chiếc xe tải xuống mép suối, dáng vẻ rất khả nghi nên đã chạy ngay về bản báo cáo. Bà con ùa ra thì đám người lạ bỏ chạy, kiểm tra khu vực mép suối, bà con phát hiện tượng Phật đang được giấu trong một lùm cây.

Trưởng bản Lạ - ông Lô Văn Hiền tỏ ra rất hãnh diện về bảo vật của bản mình: Đó là bảo vật của bản ta, ai cũng tôn kính và có trách nhiệm bảo vệ. Tuy không phải là phật tử, nhưng những thủ tục tắm tượng bằng nước quế, vẫn được bà con thực hành vào mỗi dịp của năm. Mỗi khi bản có lễ hội, sự kiện trọng đại, dân bản đều tề tựu để thắp hương, khấn Phật. Vừa rồi có một cháu đang làm ăn ở nước ngoài có ngỏ ý muốn được cung tiến để xây bảo tháp như xưa, bản đang xin ý kiến Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.