Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, 9 tháng năm nay, số lượng và giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thị trường không rơi vào tình trạng "đóng băng" hay "sốt nóng".
Cũng trong thời gian này, nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, giúp tăng nguồn cung cho thị trường. Nhờ đó, hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã cơ bản được kiểm soát.
Trong các tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến.
Các sàn giao dịch cũng ghi nhận nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Giá nhà ở, đặc biệt tại khu vực đô thị có xu hướng tăng so với thu nhập chung của người dân. Một phần nguyên nhân là do giá đất tại một số địa phương tăng và giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng tăng đột biến.
Trước thực tế trên, đại diện Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cho biết Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 để ổn định và cân đối cung cầu nhà ở.