Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bất cập trong phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi

PV - 14:31, 15/06/2018

Thời gian qua, nếu không có chính sách cử tuyển, việc được học đại học, cao đẳng của không ít học sinh DTTS chẳng khác nào “hái sao trên trời“. Dù còn nhiều hạn chế nhưng không thể bỏ cử tuyển; điều quan trọng là cần tính toán kỹ về mặt chính sách để có những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Bài 2: Đừng “nói không“ với cử tuyển

Thiếu “sát hạch” trước khi “cử”

Theo Báo cáo của Hội đồng Dân tộc tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 (ngày 03/5/2018), giai đoạn 2011-2017, cả nước có 8.681 học sinh học cử tuyển. Trong đó, số lượng sinh viên đã tốt nghiệp là 4.517 em; số còn lại đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trong tổng số 4.517 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển mới bố trí được việc làm cho 1.663 em (chỉ đạt tỷ lệ 36,15%).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi cần nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách cử tuyển. (Ảnh minh họa) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi cần nhiều chính sách hỗ trợ,
trong đó có chính sách cử tuyển. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, vài năm gần đây, nhiều huyện miền núi ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An… đã “nói không” với cử tuyển. Năm 2017 chỉ còn 8 tỉnh có nhu cầu đào tạo cử tuyển với số lượng ít (78 chỉ tiêu đại học), không tỉnh nào có nhu cầu đào tạo cử tuyển cao đẳng và trung cấp.

Lãnh đạo các địa phương đều có chung nhận định, việc bổ sung cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng cho miền núi là cần thiết. Nhưng với hệ cử tuyển, nhiều sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, có nơi tuyển dụng vào cũng đành “ngồi chơi xơi nước”.

Để xảy ra tình trạng này, trước hết và trên hết là do khâu tổ chức cử tuyển theo kiểu “đánh trống ghi tên”. Theo quy định, chỉ tiêu cử tuyển được Trung ương phân bổ cho các tỉnh; tỉnh sẽ phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, xã. Vấn đề then chốt khi xây dựng chỉ tiêu cử tuyển là phải căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của địa phương.

Vậy nhưng, thực hiện chính sách cử tuyển, nhiều địa phương dù không có nhu cầu nhưng có chỉ tiêu là cứ tuyển ào ào. Có người ví von rằng, cử tuyển như một ưu đãi từ trên rót xuống nên các địa phương có tâm lý “tiếc gì không cho con cháu hưởng chút” mà không quan tâm tới vấn đề quy hoạch nhân lực.

Thiếu “sát hạch” trong cử tuyển nên chất lượng sinh viên cử tuyển rất thấp. Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc với các bộ, ngành về chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi (ngày 26/4/2018), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá: thực tế, sinh viên cử tuyển tốt nghiệp xong nhưng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc không đủ khả năng thi tuyển, xét tuyển vào công chức, viên chức, mặc dù được hưởng chế độ điểm cộng, ưu tiên theo quy định. Cử tuyển cũng chưa gắn với công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, đặc biệt là chưa phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chưa “lỗi thời”

Tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ngày 26/4, đánh giá về chính sách cử tuyển, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải khẳng định, chính sách cử tuyển đã bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng DTTS và miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK. Trong giai đoạn 2006-2011, cả nước đã đào tạo được 12.812 học sinh (trong đó 10.560 người có trình độ đại học và 2.252 có trình độ cao đẳng). Giai đoạn này hầu hết số học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp đều được bố trí việc làm.

Như vậy, chính sách cử tuyển đã chứng minh được tính ưu việt trong thực tế. Nhưng giai đoạn 2011-2017, chính sách cử tuyển đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nhất là việc không thể bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường đã khiến các địa phương bắt đầu quay lưng với chính sách này.

Vậy phải chăng chính sách cử tuyển không thực sự cần thiết nữa? Trả lời câu hỏi này, tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan ngày 26/4, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đã khẳng định: Rất cần thiết!

Để thực hiện Chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK thì vẫn rất cần chính sách cử tuyển, nhất là đối với những DTTS có dân số ít. Lâu nay, sinh viên cử tuyển thường tập trung ở một số dân tộc có mặt bằng trình độ dân trí cao hơn, như: Tày, Thái, Khmer, Nùng, Mông, Mường, Dao… Còn với những cộng đồng dân tộc ít người, số lượng sinh viên cử tuyển là rất hiếm.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Dân tộc-Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 48 DTTS có học sinh, sinh viên cử tuyển, một số dân tộc có số học sinh cử tuyển khá đông như: dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Mông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%. Nhưng một số dân tộc chỉ có từ 1-2 học sinh được cử tuyển như: Cờ Lao, Cống, Mảng, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, Lô Lô... Một vài dân tộc chưa có học sinh cử tuyển, như: Ngái, La Hủ, Si La, Brâu, Ơ-đu... Một số dân tộc rất ít người cũng chưa có, hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng các địa phương cũng chưa quan tâm cử tuyển.

Như vậy, chính sách cử tuyển vẫn có vị trí rất quan trọng trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng khó khăn. Quan trọng là phải có sự thay đổi trong chính sách cử tuyển theo hướng thu hẹp phạm vi và đối tượng cử tuyển. Cử tuyển tập trung vào đối tượng DTTS số rất ít người, chất lượng cử tuyển phải tương thích và gắn với nhu cầu của địa phương.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.