Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Bất cập trong phân định vùng DTTS và miền núi

PV - 18:21, 03/07/2019

Phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là một chính sách quan trọng, hướng đến việc hỗ trợ địa bàn, đối tượng khó khăn nhất để dần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, dân tộc. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc phân định hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn tới những hạn chế trong việc triển khai cũng như thụ hưởng chính sách.

Bài 1: Khi phân định chỉ dựa vào độ cao...

Lâu nay, việc phân định xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao dựa vào độ cao của đơn vị hành chính so với mặt nước biển. Tiêu chí phân định này đã tạo ra sự bất hợp lý trong việc thực hiện một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Khác biệt về trình độ phát triển

Theo tiêu chí hiện hành, vùng cao được xác định là những địa bàn có độ cao trên 600m so với mực nước biển; còn những địa bàn có độ cao trên 200m so với mực nước biển là vùng núi. Việc phân định này được thực hiện từ năm 1993, đến nay vẫn còn hiệu lực thực hiện.

Kết quả phân định địa bàn miền núi, vùng cao là cơ sở để xây dựng, triển khai những chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tiêu chí phân định địa bàn miền núi, vùng cao này phản ánh chưa chính xác sự khác biệt giữa các địa phương, vùng, miền, đặc biệt là trình độ phát triển giữa địa bàn miền núi so với đồng bằng.

Là huyện đồng bằng nhưng đời sống kinh tế ở Bác Ái (Ninh Thuận) vẫn còn rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa) Là huyện đồng bằng nhưng đời sống kinh tế ở Bác Ái (Ninh Thuận) vẫn còn rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Lấy huyện Bác Ái-địa phương có đến 86% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, của tỉnh Ninh Thuận làm ví dụ. Dù là huyện đồng bằng nhưng tại thời điểm tháng 4/2019, tỷ lệ hộ nghèo ở Bác Ái vẫn còn hơn 40%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm.

Còn với huyện Bảo Thắng của tỉnh Lào Cai, là huyện miền núi nhưng hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn trên 9%; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện cũng đạt 34 triệu đồng/người/năm.

Sự khác biệt về trình độ phát triển cũng thể hiện rõ ở các huyện miền núi/huyện vùng cao của địa phương này so với huyện miền núi/huyện vùng cao của địa phương khác. Như huyện miền núi Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình, hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 3,64%. Còn với huyện miền núi Lộc Bình, một trong những huyện khá của tỉnh Lạng Sơn, hiện tỷ lệ hộ nghèo vẫn xấp xỉ 20%.

Hạn chế khi triển khai chính sách

Theo TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người DTTS, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc phân định địa bàn miền núi, vùng cao dựa theo độ cao chưa bao quát được thực trạng phát triển giữa các địa bàn, khu vực, vùng miền. Điều này dẫn tới những hạn chế trong việc xây dựng, triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội.

Đơn cử như chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2014-2015 đến năm học 2020-2021 theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Theo nghị định này thì từ năm học 2014-2015, học sinh cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn miền núi chỉ phải đóng học phí từ 8-60 nghìn đồng/học sinh/tháng (tùy theo từng cấp học). Trong khi những học sinh ở địa bàn đồng bằng thì phải đóng từ 30-300 nghìn đồng/học sinh/tháng (tùy theo khu vực thành thị hay nông thôn).

Trong khi chưa hẳn địa bàn đồng bằng đã phát triển hơn so với địa bàn miền núi nên việc quy định khung học phí như Nghị định 86/2016/NĐ-CP là chưa hợp lý. Ví dụ như huyện Bác Ái (Ninh Thuận), với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm như hiện nay thì dù là huyện đồng bằng nhưng mức thu học phí đối với học sinh cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập ở Bác Ái nên áp dụng như huyện miền núi để hỗ trợ phụ huynh và học sinh.

Vấn đề đáng quan tâm nhất trong việc phân định địa bàn miền núi, vùng cao dựa theo yếu tố độ cao là không tính được đến yếu tố dân cư là đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn đó. Nhiều địa bàn được xác định là miền núi, vùng cao nhưng dân cư là đồng bào DTTS lại rất ít; trong khi đó có những xã đồng bằng nhưng dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS. Đây là điểm mấu chốt khiến cho nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS chưa thực sự trúng đối tượng.

Như Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 120/262 đơn vị hành chính cấp xã (phường, thị trấn, xã) được xác định thuộc khu vực miền núi; trong đó có 6 xã vùng cao (của huyện Hương Khê). Vì thế, những năm qua, những chính sách ưu tiên (trong đó có chính sách dân tộc) phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi thì tỉnh Hà Tĩnh đều được thụ hưởng. Trong khi đó, theo thống kê của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 629 hộ người DTTS, chiếm tỷ lệ 0,175% tổng số hộ toàn tỉnh.

Những bất cập trong việc phân định địa bàn miền núi, vùng cao đã được chỉ ra từ nhiều năm nay; nhưng hiện vẫn là một trong những cơ sở để xây dựng, triển khai các chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi.

Từ năm 1996, ngoài phân định theo độ cao thì vùng DTTS và miền núi còn được phân định dựa theo trình độ phát triển (phân định theo 3 khu vực-Pv). Nhưng thực tế, việc phân định này vẫn còn chưa khoa học, dẫn tới nhiều hạn chế trong xây dựng, triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO