Trong rất nhiều biện pháp, cách thức bảo vệ rừng ở Nghệ An, thì mô hình bảo vệ và phát triển rừng dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả rõ nét. Bằng chứng là ở những cánh rừng do cộng đồng quản lý màu xanh phủ kín, không có tình trạng xảy ra cháy rừng và chặt phá cây rừng.
Rừng đã xanh trở lại
Những cánh rừng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) dường như được hồi sinh trở lại nhờ vào mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng. Trước khi giao cho 27 hộ dân nơi đây quản lý, khoanh nuôi bảo vệ vào năm 2009, thì toàn bộ khu vực rừng này là đất trống, đồi núi trọc. Đến nay, hơn 50 ha rừng đã xanh tốt; trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 41ha, với nhiều loại cây tự nhiên như dẻ, dẻ gai; số còn lại là rừng trồng với các loại keo, xoan và cây ăn quả như bưởi, mít, chanh...
Một trong những người tham gia mô hình từ những ngày đầu tiên - ông Hứa Văn Minh (thôn 1, xã Lĩnh Sơn) khẳng định: Nhà tôi có 2ha đất rừng trồng. Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, nay rừng đã xanh trở lại. Rừng đã mang đến cho chúng tôi nguồn nước, hệ sinh thái trong lành.
Còn ông Nguyễn Văn Hảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn cho hay: Mô hình chăm sóc, bảo vệ rừng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn là một trong những điểm sáng của huyện trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Đã nhiều năm qua, trên địa bàn tiểu khu này không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Để làm được điều đó, đại diện 27 hộ dân đã trở thành 27 tuyên truyền viên tích cực để người dân có ý thức giữ rừng, không đưa lửa vào rừng.
Tại xã Tam Đình của huyện Tương Dương cũng đang có mô hình quản lý và bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng được thực hiện rất có hiệu quả. Mô hình này không chỉ nâng cao được nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, mà còn hạn chế tình trạng chặt phá rừng bừa bãi.
Hiện nay, khu rừng săng lẻ có diện tích hơn 200ha thuộc địa bàn bản Quang Thịnh (xã Tam Ðình), là rừng nguyên sinh hiếm còn sót lại, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền tây Nghệ An.
Trước đây, ông Vi Chính Nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương tình nguyện làm người giữ rừng bằng nguồn hỗ trợ ít ỏi từ ngân sách huyện. Sau khi ông mất, người dân ở bản tiếp nối tinh thần trách nhiệm của vị cán bộ lão thành, cùng với lực lượng kiểm lâm huyện bảo vệ khu rừng săng lẻ quý.
Thế rồi, từ năm 1995, dân bản Quang Thịnh đã xây dựng hương ước giữ rừng săng lẻ, với nội quy, chế tài xử phạt nghiêm ngặt. Năm 2015, bản thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 11 người, trong đó có ông Vi Viết Lợi và ông Vi Văn Vĩnh là thường trực bảo vệ rừng, hằng tháng phân công theo nhóm đi tuần tra canh gác.
Năm 2015, bằng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, các thành viên được hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/ha bảo vệ. Nhờ thế, liên tiếp nhiều năm, tổ bảo vệ rừng không để xảy ra tình trạng chặt phá, khi có vấn đề nghi vấn kịp thời báo Hạt Kiểm lâm Tương Dương để xử lý...
Không dấu diếm niềm vui, Chủ tịch UBND xã Tam Ðình Vi Văn Thắng chia sẻ: "Những năm về trước, công tác bảo vệ rừng săng lẻ chủ yếu mang tính tự nguyện của người dân. Tuy nhiên, bản chỉ có 184 hộ dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc BVR vẫn chưa thể tập trung.
Trăn trở trước thực trạng công tác BVR săng lẻ còn nhiều bất cập, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, năm 2014, rừng săng lẻ Tương Dương được chuyển đổi quy hoạch từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng. Ðồng thời, UBND huyện Tương Dương xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ đến năm 2020, giao Hạt Kiểm lâm huyện quản lý.
Nâng cao độ che phủ rừng
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 962.230,69ha rừng, trong đó có 789.933,97ha rừng tự nhiên, 172.296,52ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%. Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các nguồn lực, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc bảo vệ phát triển rừng bền vững luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành lâm nghiệp Nghệ An hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp, biện pháp. Trong các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng, đã xuất hiện mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng rất hiệu quả.
Theo đại diện chi cục kiểm lâm Nghệ An thông tin: trên địa bàn tỉnh đang có 1.249 cộng đồng tham gia bảo vệ 110.144,293ha rừng, phân bố trên địa bàn 9 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Đô Lương, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong), với 87 xã và 537 xóm, bản, làng, thu hút hơn 35.805 người tham gia. Đây là mô hình rất hiệu quả, phát huy tốt vai trò của cả cộng đồng cùng tham gia, quản lý và bảo vệ rừng tận gốc.
Vị đại diện chi cục kiểm lâm Nghệ An cũng nhấn mạnh rằng: Hiệu quả mang lại trong việc bảo vệ, phát triển rừng dựa vào cộng đồng thể hiện rõ ở việc, các hành vi vi phạm xảy ra đều được phát hiện, xử lý sớm, giảm tối đa thiệt hại đến tài nguyên rừng; tính đoàn kết cộng đồng được tăng lên; việc thụ hưởng các sản phẩm từ rừng và các chính sách của nhà nước, dịch vụ môi trường rừng được củng cố về mặt pháp lý.
Đặc biệt, cộng đồng đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tham gia quản lý, bảo vệ rừng, họ có nguồn thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống gia đình... Từ đó, nhận thức về công tác bảo vệ rừng được nâng lên. Cộng đồng còn nắm rõ được vị trí, ranh giới khu rừng cần bảo vệ, nắm được những việc phải làm khi thực hiện bảo vệ rừng được giao, góp phần cùng lực lượng kiểm lâm làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.