Ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ủy ban Dân tộc), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Soạn thảo Đề án, chủ trì Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trong 53 DTTS hiện có 15 dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người, được xếp vào nhóm các dân tộc rất ít người (DTRIN); bao gồm: La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ-đu. Riêng dân tộc La Hủ có dân số 11.140 người nhưng do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, cần được tiếp tục quan tâm bảo vệ và phát triển như các DTRIN khác.
Những năm qua, nhiều chính sách đã được ban hành, triển khai để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTRIN. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTRIN vẫn còn hết sức khó khăn so với mặt bằng chung. Kết quả khảo sát cho thấy, các DTRIN hiện có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, như dân tộc La Hủ là 95,1%, La Ha là 88,8%, Mảng là 86,3%,…
Đặc biệt, chất lượng dân số của các DTRIN đang được đặt trong tình trạng báo động. Ngoài nguyên do điều kiện sống còn hết sức chật vật thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng khiến các DTRIN đang đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi, thậm chí mất thành phần dân tộc. Như dân tộc Brâu, từ năm 1989-1999 tăng 82 người, nhưng từ 1999-2007 chỉ tăng 22 người,…
Trước thực trạng đó, việc hỗ trợ các DTRIN phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nâng cao chất lượng dân số, có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Ngày 25/9/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định 586/QĐ-UBDT, thành lập Ban Soạn thảo Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc”. Ban Sạn thảo có sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng Ban Soạn thảo.
Tại Hội thảo tham vấn lần thứ nhất, các đại biểu tham gia đã thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng và triển khai Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc”. Các đại biểu, nhất là các chuyên gia tư vấn độc lập đã đóng góp nhiều ý kiến cho Ban Soạn thảo, nhất là góp ý về việc phải làm rõ tính cấp thiết của Đề án, nghiên cứu điều chỉnh tên gọi của Đề án để phù hợp với phạm vi đối tượng,… Đại diện các bộ, ngành tham gia Hội thảo cũng góp ý kiến và cam kết phối hợp chặt chẽ, cung cấp kịp thời thông tin, số liệu cần thiết để Ban Soạn thảo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án trong thời gian sớm nhất.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 5/2019, Ban Soạn thảo sẽ hoàn thành Dự thảo Đề án, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, tháng 6/2019, Ban Soạn thảo sẽ trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký trình Thủ tướng Chính phủ.
SỸ HÀO