Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo vệ "tính thiêng" trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Trương Vui - 18:49, 03/10/2023

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 7 năm qua. Việc khai thác và tiếp lửa di sản văn hóa này là một việc nên làm, và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, làm sao để bảo tồn, quảng bá nghi thức cho phù hợp với đời sống đương đại, mà không làm mất đi giá trị linh thiêng vốn có, vẫn là câu chuyện trăn trở của các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia và những người thực hành di sản.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: TL)
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: TL)

“Sân khấu hóa” nghi lễ

Kể từ khi được UNESCO vinh danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cùng nhiều di sản văn hóa khác của Việt Nam được quan tâm nhiều hơn và lan tỏa giá trị trong đời sống cộng đồng.

Thực tế đã cho thấy, việc quảng bá loại hình di sản này tới đông đảo công chúng là một trong những hình thức hiệu quả trong việc nỗ lực giữ gìn, làm mới và tuyên truyền những giá trị truyền thống.

Thế nhưng, việc lạm dụng sân khấu hóa, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bên ngoài các không gian thiêng, có thể dẫn tới những biến tướng, làm mất đi “tập tục” của di sản. Những trường hợp mang hầu đồng ra biểu diễn trên sân khấu, thậm chí trong nhà hàng, hội chợ, đám tiệc mang tính mua vui đang làm cho tín ngưỡng này bị biến tướng.

Thực tế thời gian qua, không khó để bắt gặp hình ảnh tín ngưỡng linh thiêng này bị mang đi biểu diễn tràn lan khắn nơi khắp chốn, đặc biệt là việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng, một trong những nghi thức độc đáo, nổi bật và tiêu biểu bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát.

Thậm chí, nhiều hình thức hầu đồng được tái hiện phản cảm, thể hiện sự thiếu tôn trọng, thậm chí là xúc phạm “tính thiêng” của di sản độc đáo này. Đáng trách là điều này dẫn đến việc nhiều người hiểu sai lệch về di sản, coi đây như là một hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Mới đây nhất, việc tái hiện nghi lễ hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại không gian của một trường đại học ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, rằng biểu diễn như vậy là nỗ lực quảng bá, diễn giải di sản hay đang vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tính tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh (Ảnh: TL)
Hội thảo về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh (Ảnh: TL)

Trước thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu bị mang đi biểu diễn tràn lan, đại diện của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cơ quan này đang xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là đối với các nguyên tắc trong bảo vệ, thực hành, trong đó có loại hình di sản văn hóa phi vật thể là tập quán và tín ngưỡng.

Bảo vệ “tính thiêng” cho di sản

Bàn về vấn đề này, theo TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều giá trị đặc sắc nên việc khai thác, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới thuộc hình thức nghệ thuật khác là chuyện bình thường và nên làm, bởi đây cũng là một cách giới thiệu di sản, làm cho di sản thêm sức sống. Điều này cũng giúp cho cộng đồng cơ hội tham gia vào những sáng tạo đó để nhận diện những giá trị văn hóa cốt lõi của họ, để không bị mai một, sai lệch.

Tuy nhiên, cần phải rõ ràng trong câu chuyện này, trước hết phải tôn trọng và biết tri ân những chủ thể đã sáng tạo, trao truyền và gìn giữ văn hóa đó.

Cũng theo GS Trần Lâm Biền, việc đưa một vài thành tố của thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lên không gian sân khấu để biểu diễn cũng được. Tuy nhiên, người đạo diễn hoặc tổ chức biểu diễn phải hiểu thấu được đạo Mẫu để không làm sai lệch hoặc biến tướng những thành tố đó.

Muốn vậy, GS Trần Lâm Biền cho rằng, cơ quan chức năng cần có những quy định rất chặt chẽ đối với việc quảng bá di sản. Đồng thời, trước khi tiến hành quảng bá di sản, phải hiểu được cặn kẽ di sản và biết ứng xử đúng khuôn phép, để không biến việc quảng bá di sản trở thành giải tỏa những nhu cầu tầm thường của đời sống.

Tuy nhiên, theo NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng - Thủ nhang Đền Nguyên Khiết Linh Từ, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật. Vì vậy, phải thực hiện trong không gian đền đài, điện, phủ. Bởi những đồ dùng, pháp khí, đạo cụ đều mang tính thiêng, trước khi ngự hay thực hành đều phải có hình thức "thư hương" để tạo sự linh thiêng trong nghi lễ chứ không thể đem ra các không gian ngoài đền đài điện phủ.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, Thủ nhang Đền Nguyên Khiết Linh Từ thực hành nghi lễ (Ảnh: TL)
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, Thủ nhang Đền Nguyên Khiết Linh Từ thực hành nghi lễ (Ảnh: TL)

Cùng với đó, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng cũng nhấn mạnh, khi thực hành nghi lễ phải là sập hầu, phải trong không gian điện phủ, có ban thờ Thánh Mẫu, chỉ được phép quay lên vái Thánh Thần. Do đó, nếu muốn quảng bá, muốn tiếp cận, mọi người có thể đến tham dự các buổi nghi lễ thực hành đó tại các đền đài, điện, phủ, chứ không phải mang lên sân khấu để trình diễn.

Việc bảo tồn và phát triển di sản sau khi ghi danh đòi hỏi sự cân nhắc tỉ mỉ về cách thức thực hiện, tránh những tác động đến tính nguyên vẹn của di sản trong quá trình phát triển. Đó còn là cơ sở giúp chúng ta ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng, làm sai lệch thực chất của di sản.

Để làm được điều này, cần có những cách thức quảng bá văn hóa phi vật thể phù hợp để cộng đồng trong và ngoài nước hiểu đúng về văn hóa và các nguyên tắc đạo đức bảo vệ. Đồng thời, sự phối hợp đồng thuận, hài hòa giữa chính quyền và cộng đồng là rất quan trọng, để đảm bảo rằng di sản thể hiện đúng giá trị văn hóa, đồng thời phản ánh đúng tính chất phong phú và sáng tạo của các hình thức quảng bá. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.