Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Bảo vệ rừng để thích ứng với biến đổi khí hậu

PV - 08:56, 12/06/2018

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hạn chế mất rừng qua hành động cụ thể

Nhằm hạn chế việc mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã công bố Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng,” giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là REDD+). Kế hoạch trên có sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua Dự án hợp tác Quản lý rừng bền vững vùng đầu nguồn Tây Bắc (SUSFORM-NOW).

Đẩy mạnh trồng rừng giảm phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh trồng rừng giảm phát thải khí nhà kính.

 

Trọng tâm kế hoạch hành động, bảo vệ 367.450ha diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hằng năm trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 độ che phủ rừng cả tỉnh đạt 42%; số vụ cháy rừng, phá rừng làm nương bình quân/năm giảm 10% trở lên so với giai đoạn 2010-2016; đảm bảo việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác tác động tối thiểu lên tài nguyên rừng. Nâng cao hiệu quả của hệ thống theo dõi diễn biến rừng…

Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh Điện Biên tập trung vào triển khai hợp phần bảo vệ, phát triển rừng, trồng 2 triệu cây phân tán, kiểm soát hành vi phá rừng làm nương, tuyên truyền, vận động sử dụng các loại nguyên liệu thay thế gỗ...

Những năm qua, công tác bảo vệ phát triển rừng được tỉnh Điện Biên quan tâm, thực hiện. Diện tích rừng trồng, chăm sóc tập trung tại các địa phương đạt trên 2.887ha, rừng khoanh nuôi tái sinh đạt trên 7.600ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 38,68%. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng thực hiện trồng trên 516ha rừng thay thế, tỷ lệ đã thực hiện đạt trên 91%.

Chú trọng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Nếu giữ rừng, bảo vệ rừng chỉ từ phía chính quyền, tổ chức, mà không khuyến khích tạo động lực để người dân cùng tham gia thực hiện thì sẽ không mang lại kết quả cao. Bởi vậy, chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giống như đòn bẩy, là giải pháp hiệu quả cần tập trung thực hiện. Chính sách đã giúp người dân nâng cao nhận thức, chỉ có giữ rừng tốt mới được thụ hưởng những giá trị to lớn từ rừng xanh đem lại.

Trưởng bản Thào A Chứ, bản San Sả Hồ, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, cho biết: “Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, người dân rất phấn khởi và tham gia nhiệt tình trong công  tác bảo vệ rừng của bản. Người dân không tự ý vào rừng chặt phá như trước kia nữa. Bản đã thành lập được tổ tuần tra bảo vệ rừng, hằng tháng phân công đi tuần tra khu vực rừng đã được nhận tiền chi trả DVMTR, đến mùa khô tổ chức cho dân bản đi phát dây leo, làm băng cản lửa. Trung bình mỗi năm mỗi hộ  nhận được hơn 8 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống của các hộ trong bản”.

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ năm 2011 đến nay, mỗi năm tỉnh Điện Biên đã thực hiện ký ủy thác và chi trả cho các chủ rừng, cộng đồng thôn bản có rừng trên địa bàn tỉnh hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử năm 2017, Quỹ chi trả DVMTR của tỉnh đã thực hiện chi trả cho khoảng 241.143ha diện tích rừng, với tổng số tiền chi trả là đạt gần 82 tỷ đồng, thuộc 3 lưu vực: Sông Đà, sông Mã và nội tỉnh.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ chi trả DVMTR tỉnh Điện Biên, đánh giá: Đây là chính sách rất tốt, phát huy được hiệu quả công tác bảo vệ phát triển rừng của người dân. Số tiền chi trả DVMTR tăng lên các năm và năm 2017 đạt mức tối đa 800 nghìn đồng/ha/năm như huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ. Điển hình có bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, vừa qua nhận được số tiền chi trả rất lớn khoảng 2,2 tỷ đồng và có chủ rừng nhận được đến 115 triệu đồng/ha.

Với số tiền chi trả DVMTR tại các địa phương như trên người dân đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ rừng, có kế hoạch trồng rừng. Theo dõi qua các năm của huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa Mường Chà, Mường Lay, Nậm Pồ… diện tích chi trả DVMTR tương đối ổn định, hạn chế tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương.

VŨ LỢI- NAM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.