Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn voi: Liệu có lực bất tòng tâm?

PV - 11:46, 08/02/2018

Tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020, chủ yếu thực hiện tại 3 tỉnh: Nghệ An, Đăk Lăk, Đồng Nai. Sau gần 5 năm, việc thực hiện Đề án gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thiếu nhân lực và kinh phí để bảo vệ voi nhà mà việc di chuyển, tái nhập đàn cho các cá thể voi rừng cũng đang loay hoay tìm giải pháp.

Voi là loài vật gắn liền với văn hóa đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Voi là loài vật gắn liền với văn hóa đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

 

Khó phát triển voi nhà

Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 763/QĐ-TTg, ngày 21/5/2013 (gọi tắt là Đề án 763). Nội dung chủ yếu của đề án là bảo tồn các đàn voi hoang dã (voi rừng) và phát triển voi nhà. Tuy nhiên, chưa nói đến việc bảo tồn các đàn voi rừng, việc bảo vệ, phát triển voi nhà cũng rất khó khăn.

Đăk Lăk là tỉnh có đàn voi nhà nhiều nhất cả nước. Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn voi (TTBTV) Đăk Lăk, vào năm 1980, toàn tỉnh có 502 con voi nhà. Nhưng đến nay, Đăk Lăk chỉ còn 44 con voi nhà; trong đó huyện Buôn Đôn có 25 con và huyện Lăk có 19 con.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc TTBTV Đăk Lăk, để phát triển đàn voi nhà, bên cạnh việc thực hiện khám, chữa bệnh định kỳ một lần cho đàn voi (kinh phí 90 triệu đồng/năm) thì Trung tâm đã nghiên cứu chu kỳ sinh sản và tiến hành cho các cặp voi giao phối. Tuy nhiên, chưa có voi mẹ nào hoàn thành “thiên chức” của mình.

Mới đây nhất, vào tối 8/10/2017, sau 21 tháng mang thai, voi mẹ tên là Ban Nang (chủ voi là ông Y Mứ B’krông, trú buôn M’Liêng, thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk) đã sinh hạ voi con Pặc On trong sự chờ mong của chủ voi, của TTBTV. Bởi, Ban Nang là con voi nhà đầu tiên giao phối thành công và mang thai. Để giúp Ban Nang “dưỡng thai” trong 21 tháng, TTBTV đã thuê “bà mụ” về chăm sóc cho Ban Nang (tiền công 10 triệu đồng/tháng). Ngoài việc lo cho Ban Nang, chủ voi cũng được UBND tỉnh Đăk Lăk hỗ trợ hơn 600 triệu đồng để yên tâm chăm sóc cho voi trong thời gian mang thai.

Nhưng khi Ban Nang hạ sinh Pặc On thì voi con đã chết khi còn trong bụng mẹ. Theo TTBTV Đăk Lăk, cái chết của Pặc On có thể là do quá trình chuyển dạ của Ban Nang quá lâu và cũng có thể là do voi mẹ đã già.

Di chuyển, tái nhập đàn-bằng cách nào?

Trong khi Đăk Lăk đang loay hoay phát triển đàn voi nhà thì tỉnh Nghệ An lại chưa biết làm cách nào để di chuyển, tái nhập đàn cho các cá thể voi rừng. Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 6 đàn voi rừng (khoảng 13 con) thì có tới 4 đàn chỉ có một cá thể sinh sống độc lập.

Đáng chú ý là cá thể voi cái ở Vườn Quốc gia Pù Mát đang ở độ tuổi sinh sản, rất hung dữ, thường xuyên xung đột với con người.

Theo ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, đây là con voi cái sống đơn độc hơn 20 năm nay ở trung tâm của vườn. Trước đây, đàn voi này có ít nhất một cặp, nhưng năm 1996, con voi đực đã bị sát hại. Vào mùa động dục, không có con đực, nó trở nên hung dữ hơn. Mỗi lần như vậy, nó thường ra khỏi rừng tìm đến những đàn trâu của người dân.

Vườn Quốc gia Pù Mát cũng đã tính đến phương án sáp nhập con voi đơn lẻ này với 2 đàn cùng sống trong vườn. Tuy nhiên, quãng đường từ khu vực này đến đàn voi ở Tây Bắc Pù Mát mất 2 ngày đường, qua rất nhiều sông suối, nên điều này dường như không thể. Trong khi đó, để con voi cái này đến được với đàn voi 6 con ở phía Đông Nam khu vườn cũng bị ngăn cản bởi sông Giăng.

Được biết, nhiều biện pháp di chuyển, tái nhập đàn cho các cá thể voi đã được các cấp ngành, địa phương liên quan của tỉnh Nghệ An bàn tính rất kỹ. Nhưng hiện vẫn chưa có một giải pháp nào khả thi. Bởi hệ quả xấu của việc di chuyển, tái nhập đàn cho các cá thể voi đã từng được minh chứng. Ở Việt Nam đã hai lần thất bại khi di chuyển voi. Đó là khi đàn voi ở Tánh Linh (Bình Thuận) và Bình Châu-Phước Bửu (Bà Rịa-Vũng Tàu) được di chuyển lên Đăk Lăk. Voi sau đó nhanh chóng bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không hợp.

Cần một giải pháp tổng thể
Voi nhà phục vụ sản xuất, du lịch nên chủ voi không muốn cho ghép cặp, giao phối. Voi nhà phục vụ sản xuất,du lịch nên chủ voi không muốn cho ghép cặp, giao phối.

 

Khó phát triển đàn voi nhà, trong khi việc bảo tồn voi rừng cũng chưa có giải pháp khả thi đã đặt chúng ta trước một thực tế, đó là nguy cơ tuyệt chủng voi Việt Nam. Thực hiện Đề án 763, nhiều biện pháp đã được các cấp ngành, địa phương triển khai, nhưng dường như đó chỉ mới là những biện pháp “cứu hộ”, “cấp cứu”.

Như ở Đăk Lăk, để nhân đàn voi nhà, việc ghép cặp giao phối có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, vì voi mang thai trong thời gian quá dài (khoảng 2 năm), người dân lại cần voi khoẻ để phục vụ sản xuất, du lịch nên luôn tìm cách ngăn cản, không cho voi ghép cặp, giao phối.

Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay nguồn nhân vật lực để bảo tồn, phát triển voi còn quá yếu. Cho đến nay, chúng ta chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên sâu về việc chữa bệnh cho voi; khi voi bị bệnh (hay sinh đẻ), các chủ voi đều vào rừng lấy lá thuốc, tự điều trị cho voi theo vốn hiểu biết của mình.

Ngay cả nguồn kinh phí để bảo tồn, phát triển đàn voi cũng rất hạn hẹp. Theo Đề án 763 thì tổng kinh phí để phát triển voi nhà và bảo tồn voi rừng giai đoạn 2013-2020 là 278 tỷ đồng. Chỉ cần tính số tiền mà tỉnh Đăk Lăk bỏ ra để con voi cái Ban Nang mang thai, sinh voi con Pặc On nêu trên (sơ sơ cũng gần 1 tỷ đồng-Pv) cũng cho thấy, kinh phí thực hiện Đề án 763 là quá “hẻo”.

Việt Nam đã từng “thua” trong “cuộc chiến” bảo vệ loài tê giác một sừng (ngày 29/4/2010, xác con tê giác cuối cùng được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Cát Tiên-Pv), một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam. Với voi-một loài vật gắn liền với văn hóa, với nhiều chiến tích trong lịch sử dân tộc cũng đang trong tình cảnh đó. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành và cả cộng đồng cần phải chung tay bảo vệ loài động vật đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng này.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.