Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian Khmer - Cần giải pháp hỗ trợ lâu dài

Thạch Đờ Ni - 06:40, 08/11/2024

Từ niềm tự hào với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều bạn trẻ đã tích cực tham gia vào các đội, nhóm văn nghệ của các chùa Khmer để có một sân chơi thỏa mãn niềm đam mê, đồng thời góp sức phục vụ các dịp lễ hội của phum sóc. Tuy vậy, hoạt động của các đội, nhóm này gặp nhiều khó khăn do lực lượng không ổn định, thiếu kinh phí. Giải quyết “bài toán” này, các đội văn nghệ rất cần được trợ lực về vật chất lẫn tinh thần để chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Khmer.

Đội ngũ âm chùa Xiêm Cán, TP. Bạc Liêu biểu diễn phục vụ bà con
Đội ngũ âm chùa Xiêm Cán, TP. Bạc Liêu biểu diễn phục vụ bà con

Gắn kết những đam mê

Đối với đồng bào Khmer, các loại hình nghệ thuật truyền thống được ví là “linh hồn” của dân tộc. Từ các đám tiệc đến những lễ, Tết cổ truyền của đồng bào đều không thể thiếu tiếng nhạc, điệu múa dân gian. Cứ hễ nhạc âm vang lên, dù là người già hay người trẻ, trai hay gái đều hào hứng hòa mình vào điệu múa tập thể. Dù được hình thành trong đời sống cộng đồng từ khá lâu, song các loại hình nghệ thuật dân gian luôn được đồng bào dân tộc, các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh trân trọng giữ gìn, bởi đó không chỉ là “món ăn tinh thần” đặc sắc, mà còn là di sản vô giá của phum sóc. Đồng thời là sợi chỉ đỏ gắn chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Thời gian qua, phong trào văn nghệ trong đồng bào Khmer cho thấy những tín hiệu vui khi ngày càng trẻ hóa về lực lượng. Trước kia, đội ngũ âm tại các ngôi chùa Khmer đều là những nghệ nhân lớn tuổi thì nay đã thu hút nhiều thanh niên, trong đó có cả các bạn nữ thuộc thế hệ trẻ tham gia. Điển hình như Đội nhạc ngũ âm chùa Dì Quán, huyện Hồng Dân; Đội múa dân gian chùa Xiêm Cán, TP. Bạc Liêu; Đội nghệ thuật Soryaram, chùa Cái Giá Giữa, Bup Pha Ram, chùa Cái Giá Chót, huyện Vĩnh Lợi… với thành viên là những thiếu nữ tuổi đôi mươi. Điều đó cho thấy, hiện có rất nhiều người trẻ đam mê, mong muốn được gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Để thu hút các bạn trẻ gắn bó lâu dài với nghệ thuật dân gian truyền thống, các chùa nên từng bước xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đưa loại hình này thành một dịch vụ văn hóa phục vụ bà con trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer”.

Thượng tọa Tăng Sa Vong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu

Mới đây, Câu lạc bộ Nghệ thuật Dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu được thành lập trên cơ sở tập hợp các thành viên của đội nhạc ngũ âm, đội múa rô băm và đội chhăm dăm sẵn có của chùa Giá Rai. Mục đích nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian Khmer trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Theo Đại đức Kim Thanh, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật Dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Giá Rai cho hay, hiện nay chùa Giá Rai có 3 đội biểu diễn nghệ thuật dân gian Khmer với gần 40 thành viên tham gia tập luyện, phục vụ đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer. Các em đều xuất thân từ những gia đình nông dân Khmer, có niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, nhà chùa đứng ra mời thầy về dạy để các em nắm được kỹ thuật biểu diễn cũng như cách sử dụng các loại nhạc cụ Khmer. Hiện nay, các em đã biết múa những điệu múa cơ bản và phục vụ tốt trong các lễ hội của chùa. CLB được kỳ vọng có thể phát triển lâu dài nhờ việc tạo dựng được lớp kế thừa.

Cần giải pháp hỗ trợ lâu dài

Tại Bạc Liêu, dù phong trào văn hóa, văn nghệ diễn ra khá sôi nổi nhưng nhiều đội, nhóm văn nghệ Khmer hiện đang hoạt động cầm chừng theo mùa vụ. Nguyên do là thiếu kinh phí để duy trì tập luyện, mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ trình diễn... Bên cạnh đó, lực lượng thiếu sự ổn định vì nhiều bạn trẻ còn phải lo kiếm sống nên việc tham gia tập luyện, trình diễn không đều đặn. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến phong trào văn nghệ Khmer tại một số nơi hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao.

Đội Văn nghệ chùa Đìa Chuối tham gia Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer
Đội Văn nghệ chùa Đìa Chuối tham gia Liên hoan nhạc ngũ âm và múa dân gian Khmer

Để khắc phục những khó khăn đó, một số chùa đã có sáng kiến bố trí cho đội văn nghệ biểu diễn nghệ thuật dân gian phục vụ khách du lịch khi đến tham quan tại chùa Xiêm Cán, TP. Bạc Liêu. Hoặc tham gia biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của Đài Truyền thanh Truyền hình tỉnh; biểu diễn phục vụ các gia đình có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật khi gia đình có lễ, tiệc... Số tiền “catxê” thu được sau mỗi buổi biểu diễn sẽ bồi dưỡng cho thành viên của đội, một phần đưa vào quỹ bảo trì các nhạc cụ; mua sắm trang phục… Từ đó, các thành viên của đội an tâm phục vụ và bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Theo Thượng tọa Tăng Sa Vong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu thì, giới trẻ Khmer vẫn rất yêu nghệ thuật dân tộc. Để thu hút các bạn trẻ gắn bó lâu dài với nghệ thuật dân gian truyền thống, các chùa nên từng bước xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đưa loại hình này thành một dịch vụ văn hóa phục vụ bà con trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Ngoài ra, đề nghị chính quyền các cấp hỗ trợ thêm nhạc cụ, trang phục, mở lớp tập huấn để các đội phục vụ tốt các sự kiện chính trị - xã hội, lễ hội của đồng bào Khmer trong tỉnh. Đây cũng là giải pháp dài hơi để tiếp sức cho nghệ thuật dân gian Khmer có thêm điều kiện, động lực mới hoạt động sôi nổi và hiệu quả hơn. 

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.