Tài nguyên văn hóa phong phú
Theo thống kê mới nhất, hiện nay toàn tỉnh Gia Lai có 38 di tích, cụm di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt là: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và di tích Khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá; 7 di tích quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh và hàng chục địa điểm được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018 - 2023.
Tỉnh cũng có 2 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Champa Tây Nguyên và Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh Gia Lai lưu giữ khoảng 11.000 hiện vật lưu dấu các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
Trong lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, Gia Lai là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thời gian qua, địa phương cũng đã tiến hành kiểm kê được 456 hồ sơ DSVH phi vật thể, trong đó có 3 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng, Sử thi của người Ba Na tại 4 huyện phía Đông của tỉnh và Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.
Trong các năm 2020, 2021, Sở VHTT&DL đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm đánh giá chính xác thực trạng cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS tại chỗ. Kết quả sơ bộ ghi nhận, toàn tỉnh còn lưu giữ 4.500 bộ cồng chiêng (kết quả kiểm kê năm 2008 là 5.655 bộ), là tỉnh có số lượng cồng chiêng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài ra, toàn tỉnh Gia Lai có 32 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tỉnh đã tổ chức được nhiều lớp truyền dạy chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm cho học viên là người DTTS tại chỗ; nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian được phục dựng...
Cộng đồng cùng gìn giữ
Những năm gần đây, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dựa vào cộng đồng được tỉnh Gia Lai triển khai, mang lại hiệu quả nhất định. Cụ thể, bằng những dự án “Di sản kết nối”, “Bảo tồn di sản văn hóa sống” của Hội đồng Anh, với các hoạt động thiết thực như: Trưng bày cộng đồng, mở các lớp truyền dạy tạc tượng, dệt thổ cẩm truyền thống, đan lát, đẽo thuyền độc mộc… giúp người dân nhận thức được giá trị của DSVH, biến nó thành sinh kế, góp phần vào sự phát triển của đời sống cộng đồng.
Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” do Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức, trong thời gian gần đây được đông đảo công chúng đón nhận. Chương trình đã lan tỏa thông điệp “Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dựa vào cộng đồng” rộng khắp đến với công chúng.
Chương trình là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của 2 dân tộc Ba Na và Gia Rai, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Đó là sự tổng hợp nhiều hoạt động: Trình diễn cồng chiêng kết hợp múa suang; hát dân ca; trình diễn nhạc cụ truyền thống; khách tham quan có thể chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tham gia trải nghiệm múa suang, đánh cồng chiêng…
Điểm nhấn của chương trình là các nghệ nhân tham gia, đều mặc trang phục truyền thống. Mọi hoạt động được diễn ra trong không gian tự nhiên thoáng đãng, không sân khấu hóa, không có sự can thiệp của bàn tay đạo diễn. Cộng đồng tham gia với tâm thế tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng, không vụ lợi.
Chia sẻ về hoạt động này, nghệ nhân Y Răk (sinh năm 1964) dân tộc Ba Na, ở làng Kdung, xã Hra, huyện Mang Yang) cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được tham gia chương trình cồng chiêng cuối tuần. Đây là dịp để chúng tôi được thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông xưa để lại”.
Bảo tàng tỉnh Gia Lai những năm gần đây, cũng đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dựa vào cộng đồng như: Ngày hội di sản văn hóa; lễ hội mùa Xuân; phiên chợ Kinh - Thượng... thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tại các hoạt động này, 2 dân tộc Ba Na, Gia Rai và các dân tộc khác cùng tham gia trình diễn, giao lưu, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian mang sắc màu riêng của mỗi cộng đồng như: trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, múa khèn, múa sạp, múa rối, nặn tò he, ném còn, kéo co, đi cà kheo và ẩm thực truyền thống… tạo nên một không gian đa sắc màu văn hóa.
Sự giao lưu, trải nghiệm không những đem lại mối đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng, mà còn là động lực thôi thúc cộng đồng trong việc thực hành và trao truyền di sản giữa các thế hệ.
Ngoài ra, các hoạt động tổ chức, phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh hàng năm vẫn duy trì, như Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui, Lễ mừng năm mới, Lễ bỏ mả, Lễ thổi tai, Lễ mừng lúa mới…
Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa đã góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo các dân tộc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Di sản văn hóa không dễ hình thành, nhưng lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Nhận thức của cộng đồng về di sản, quyết định cách ứng xử của cộng đồng đối với di sản đó. Và mọi vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản là không thể tách rời khỏi cộng đồng, nếu tách rời khỏi cộng đồng, thì đồng nghĩa với di tích đó sẽ là “di sản chết”.