Qúy nhưng khó giữ
Người Sán Dìu sống rải rác ở chân núi Tam Đảo, từ xã Ninh Lai (Sơn Dương, Tuyên Quang) chạy dọc đến xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), với khoảng 35.000 người, nhưng rất khó để nhận biết nét riêng của đồng bào, nếu không phải ngày lễ tết, hoặc một dịp đặc biệt nào đó, đồng bào mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc của mình.
Theo chị Lưu Thị Tư, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), khi Khu du lịch Flamingo Đại Lải tổ chức chương trình Lễ hội ẩm thực Sán Dìu để phục vụ khách du lịch, đơn vị đã thuê của chúng tôi mấy chục bộ trang phục Sán Dìu truyền thống. Tuy nhiên, để mặc sao cho đúng, tôi đã cử thêm nhân viên là người Sán Dìu vào hướng dẫn cho nhân viên cách mặc.
Tương tự, khi đến thôn Thanh Hà, xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thật khó để nhận biết đây là nơi sinh sống của đồng bào Mường (chiếm hơn 70% dân số). Người dân ở đây cho biết, đã từ rất lâu họ không còn may và mặc trang phục truyền thống nữa, ngay cả những ngày lễ hội.
Bà Hà Mai Ven, dân tộc Nùng, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) chia sẻ rằng, giới trẻ người Nùng không thích mặc bộ trang phục truyền thống do họ bảo không phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Không riêng gì người Sán Dìu, người Mường, người Nùng mà trang phục của hầu hết các DTTS hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân chính bởi hầu như những bộ trang phục đó được dệt bằng tay, chất liệu thổ cẩm ấm vào mùa đông nhưng rất nóng vào mùa hè ,và thường bị dính chàm trong thời gian đầu mặc (do phai màu). Hơn nữa nó cũng rất khó mặc, kiểu dáng đã quá quen thuộc nên dễ gây nhàm chán và không theo kịp với xu thế thời trang hiện đại.
Qua tìm hiểu thực tế, thì hầu hết đồng bào cũng rất thích, trân trọng trang phục truyền thống dân tộc mình, nên cố gắng gìn giữ. Tuy nhiên, với điều kiện cuộc sống mới, thay vì giữ khư khư và sử dụng những bộ trang phục truyền thống chỉ mang tính chất hình thức (mặc khi diễn ra lễ hội, giao lưu, ghi hình…; sau đó sẽ cởi ra thay bằng trang phục phổ thông), thì cộng đồng các DTTS cũng đang có những cải biến, cách tân để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Thay đổi để bảo tồn
Những năm gần đây, đến nhiều bản, làng vùng dân tộc Thái, Mông,...chúng ta sẽ lại chứng kiến, hầu hết người dân vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, dù là mùa Đông hay mùa Hè. Tuy nhiên, nhiều bộ trang phục đã được cách tân bởi kiểu dáng, màu sắc nhưng khi nhìn vào, vẫn có thể nhận biết người mặc là dân tộc nào.
Chị Sùng Mí Yên, nhiều năm liền là Trưởng làng Văn hóa Du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ, thời gian trước kia khi còn là Trưởng Làng Văn hóa dân tộc Mông, khi bản thân và nhân viên mặc những bộ trang phục truyền thống để tiếp khách, di chuyển hoặc khi làm bếp thì những bộ trang phục truyền thống rất nóng, đến ngày hôm sau không thể mặc lại được. Mà để giặt thì khó, bởi với khí hậu vùng miền núi khó khô và mất nhiều thời gian để mặc”,
Hiện nay, bà con dùng bằng vải bông, vải lanh, vải nhung mềm mại và bắt mắt hơn so với những chất liệu vải được mua ở chợ vừa cứng, vừa khó giặt như trước kia. Bên cạnh đó, trang phục dân tộc Mông ở các vùng khác đã được thêu nhiều họa tiết hoa văn, vẽ sáp ong… đã có sự pha trộn. Còn đối với người Mông ở Mèo Vạc, trước kia váy 1 mảnh, có hai đai dài và quấn vòng quanh bằng đai, xiết chặt đến khi nào vừa với cơ thể. Bây giờ người ta làm chun và làm bằng váy chùm dễ mặc hơn.
Theo chị Yên, sự thay đổi không phải là mất đi bản sắc văn hóa, mà sáng tạo để phù hợp với cuộc sống bây giờ. Bởi ngày bình thường họ có thể mặc nhiều mẫu khác nhau, tuy nhiên, người dân vẫn tự ý thức mặc những bộ trang phục truyền thống của họ trong những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Chị Sùng Mí Yên nhấn mạnh, đối với du khách thích trang phục người Mông, sự thay đổi từ việc quấn bằng đai, sang mặc bằng chun là phù hợp, bởi nếu quá phức tạp, lại cần thêm một người để hướng dẫn.
Tương tự, chị Quàng Thị Biên, thợ may trang phục dân tộc Thái tại Bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La cũng chia sẻ, trang phục Thái bây giờ cũng đã khác đi một chút so với trang phục Thái cổ để phù hợp và dễ mặc hơn với cuộc sống.
Theo chị Biên, áo của người Thái cổ có 2 dạng, cổ thắt, cổ cao; màu chủ đạo là màu đen, tràm, trắng, vải được dệt bằng tay. Hiện nay, có nhiều loại vải khác nhau như vải nhung, vải lụa… do đó, chị cũng đã cho ra đời nhiều mẫu áo khác nhau với nhiều màu, nhiều họa tiết hoa văn đẹp mắt hơn. Và đặc biệt, mùa nào cũng có thể mặc được.
Về kiểu dáng, hiện nay người Thái ưa thích mặc tay bồng, nhìn nó sẽ trẻ trung hơn so với may thẳng, tay dài như trước kia. Cổ áo cũng vậy, có nhiều mẫu hơn nhưng chủ đạo vẫn là cổ cao kín đáo. Chiếc váy đã được xẻ bên trong để thuận tiện đi lại.
Chị Biên nhấn mạnh, dù cách tân nhưng người thợ may vẫn may theo kiểu dáng cũ của người Thái, và chỉ cần nhìn vào là biết đó là người Thái.
Khảo sát tại một số điểm du lịch nổi tiếng, người dân địa phương đã tận dụng những bộ trang phục truyền thống của mình, có chút cách tân dễ mặc, sử dụng nhiều chất liệu vải khác nhau để cho khách du lịch thuê, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể.
Chỉ tính nhẩm, thuê một bộ trang phục truyền thống có giá dao động từ 30-50 nghìn đồng/buổi (thường thì 2 tiếng), mỗi ngày có những điểm đón hàng nghìn lượt khách đến thăm quan, trong đó ít nhất 10% lượng khách có nhu cầu thuê trang phục để chụp ảnh thì thấy rằng, nguồn lợi từ việc cho thuê trang phục truyền thống là vô cùng lớn.
Đặc biệt, hiểu được những giá trị từ chất liệu vải, đến quá trình dày công làm nên một bộ trang phục truyền thống, và khi có sự cách tân dễ mặc hơn, sử dụng chất liệu đơn giản hơn, nhiều khách du lịch, trong đó có khách quốc tế đã mua cho mình những bộ trang phục truyền thống của người dân địa phương để làm kỉ niệm, để mặc trình diễn hoặc mặc trong những dịp đặc biệt...
Có thể thấy rằng, việc giữ gìn trang phục truyền thống là rất cần thiết, song cùng với sự phát triển của xã hội, việc đồng bào cải tiến trang phục để thích ứng, để nó luôn xuất hiện trong đời sống hiện đại, cũng là một cách để bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc tới mọi vùng miền, vượt biên giới xa xôi...