Theo đó, Hội thảo nhằm đánh giá thành quả bảo tồn đã đạt được, đồng thời đề ra những giải pháp, định hướng cho giai đoạn sắp tới, nhằm sử dụng bền vững và phát huy các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, đất ngập nước quý giá của Côn Đảo để phục vụ phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch sinh thái chất lượng cao.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những nghiên cứu chuyên sâu về đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo như: Cấu trúc rừng và trạng thái rừng thường xanh; Thực vật rừng ngập mặn ở vùng đất ngập nước ven biển; Hiện trạng sinh cảnh rùa biển và kết quả 30 năm bảo tồn và nghiên cứu rùa biển của VQG Côn Đảo; Sự tham gia của tình nguyện viên và kết quả xã hội hóa trong công tác bảo tồn rùa biển có sự tham gia của doanh nghiệp...
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đặt ra vấn đề cần có cơ chế rõ ràng trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa bảo tồn rùa biển, tuyên truyền để thay đổi hành vi nhằm giải thiểu rác thải nhựa, phục hồi nâng chất lượng rạn san hô và thảm cỏ biển, bảo đảm cơ sở pháp lý và khoa học để cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái ở VQG Côn Đảo.
Được biết, VQG Côn Đảo nằm trọn trên địa giới hành chính huyện Côn Đảo, có tổng diện tích gần 20.000 ha, trong đó hợp phần bảo tồn rừng gần 6.000 ha, hợp phần bảo tồn biển 14.000 ha và vùng đệm biển 20.500 ha. Các chuyên gia khoa học và nhiều tổ chức quốc tế uy tín từ lâu đã luôn ca ngợi và đánh giá cao đa dạng sinh học của VQG Côn Đảo.
Cụ thể, thành phần các thực vật rừng ghi nhận ở VQG Côn Đảo có 1.077 loài thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch. Một số loài được xếp vào danh mục quý hiếm như: Lát hoa, găng néo, thiên tuế, tắc kè đá… Bên cạnh đó, kết quả điều tra, nghiên cứu về động vật có xương sống trên cạn cũng ghi nhận VQG Côn Đảo có 155 loài thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái.
Đáng chú ý là các loài động vật đặc hữu như: Khỉ đuôi dài Côn Đảo, sóc đen Côn Sơn, thằn lằn giun, thằn lằn ngươi tròn và rắn khiếm Côn Đảo, bồ câu Nicoba, chim điên bụng trắng và gầm ghì trắng.
Vùng biển Côn Đảo có tính đa dạng cao về phương diện hệ sinh thái với sự tồn tại của nhiều sinh cảnh như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi triều cát, rạn đá vùng triều và dưới triều, đáy mềm dưới triều.
Có thể nói, VQG Côn Đảo sở hữu rừng “vàng” và biển “bạc”, là hình mẫu chuẩn sinh thái rừng của quốc gia đại diện cho vùng sinh thái biển đảo phía Đông Nam Tổ quốc.