Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong xu thế hội nhập

PV - 15:02, 15/05/2018

Trong xu thế hội nhập, ngôn ngữ của nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) dần bị mai một. Để ngăn chặn tình trạng này, các ngành chức năng, các địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực để bảo tồn ngôn ngữ các DTTS nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Bài 1: Bảo tồn ngôn ngữ Ê-đê nhìn từ trường học

Đăk Lăk là một trong những địa phương sớm triển khai việc dạy chữ viết, tiếng nói DTTS trong trường học và đã biên soạn nhiều đầu sách bằng tiếng Ê-đê phục vụ việc dạy và học. Vậy nhưng, sau 30 năm triển khai, đến nay giáo viên đứng lớp vẫn chưa được đào tạo bài bản nên chất lượng giảng dạy còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Thông thạo tiếng mẹ đẻ thành tích học tập cao hơn

Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, TP. Buôn Ma Thuột có 192 học sinh, trong đó 177 học sinh dân tộc Ê-đê. Đây là trường tiểu học được đánh giá thực hiện dạy tiếng Ê-đê bài bản của thành phố.

Chúng tôi đến trường vào giờ ôn tập tiếng Ê-đê chuẩn bị thi cuối kỳ của khối lớp 4. Những cánh tay mạnh dạn của các em học sinh Ê-đê giơ lên mỗi khi giáo viên hỏi bài, cho thấy các em rất hào hứng với giờ học tiếng mẹ đẻ. Em Y Kôn Nđơh học sinh lớp 4b chia sẻ: ở nhà bố mẹ nói bằng tiếng dân tộc, nhưng không biết viết chữ nên em cũng chỉ biết nói thôi. Sau hai năm học ở trường, giờ em đã biết viết, thông thạo ngữ pháp, đọc được nhiều sách bằng tiếng Ê-đê và vận dụng ngôn ngữ Ê-đê vào các môn học khác.

Cô H’Jem hướng dẫn học sinh tiếng Ê-đê. Cô H’Jem hướng dẫn học sinh tiếng Ê-đê.

5 năm dạy kiêm nhiệm tiếng Ê-đê, cô H’Jem thấy rõ sự tiến bộ rất nhanh của con em đồng bào mình khi học tiếng mẹ đẻ. Cô H’Jem cho biết: Trước khi học chương trình tiếng Ê-đê tại trường, các em chỉ biết nói lóng không biết viết, nay các em phát âm chuẩn hơn, ngữ pháp chắc chắn, viết được chữ bằng ngôn ngữ của đồng bào mình. Nhiều em còn sử dụng các câu văn học dân gian Ê-đê để vận dụng vào bài văn viết.

“Hiểu được tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp học sinh dân tộc Ê-đê tiếp thu các môn học khác tốt hơn, mà còn giúp công tác bảo tồn ngôn ngữ đồng bào Ê-đê trong thời kỳ hiện đại. Khó khăn lớn nhất là, giáo viên vừa làm công tác chủ nhiệm vừa kiêm nhiệm tiếng Ê-đê nên chương trình nặng, rất cần được bố trí nhân lực chuyên môn để nâng cao hiệu quả giảng dạy” cô H’Jem cho biết thêm.

Thầy Trần Công Thức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh đánh giá: Đặc thù của trường chủ yếu học sinh đồng bào Ê-đê, nhà trường đã áp dụng dạy tiếng Ê-đê từ nhiều năm trước để thu hút học sinh và nâng cao chất lượng học. Đặc biệt, năm 2015-2016 trường thực hiện chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD và ĐT), học sinh tham gia học tiếng dân tộc được cung cấp toàn bộ sách giáo khoa, tài liệu và giáo viên kiêm nhiệm có chế độ theo quy định, thành tích học tập của học sinh nâng cao rõ rệt. Bởi khi trẻ em được nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, các em sẽ hứng thú đến lớp hơn và giúp các em hiểu nhiều hơn tiếng Việt tạo điều kiện thuận lợi để học tốt các môn khác.

Áp dụng chưa đồng bộ

Từ năm 1981, tỉnh Đăk Lăk đã triển khai việc dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Ê-đê từ lớp 3-lớp 5 tại các trường tiểu học. Những năm gần đây, áp dụng từ lớp 6-lớp 8, trong chương trình thực nghiệm tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của các huyện, thị xã, thành phố.

Năm học 2014-2015 các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã dạy theo chương trình, sách giáo khoa Bộ GD và ĐT ban hành. Tổ chức dạy tiếng, chữ cho cán bộ người dân tộc địa phương, cán bộ làm phong trào, phát động quần chúng ở các thôn buôn. Ngoài việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy tiếng bản ngữ, tỉnh Đăk Lăk thành lập Ban nghiên cứu học sinh DTTS, gồm 10 người phối hợp với bộ, ngành sưu tầm, biên soạn, xuất bản tài liệu phục vụ việc dạy và học tiếng dân tộc như, từ điển Việt-Ê-đê, Ê-đê-Việt. Đồng thời, bình quân mỗi năm, xuất bản 5 đầu sách về truyện cổ, lời nói vần, luật tục, nghi lễ, lễ hội, sử thi Ê-đê…

Theo bà Lê Thị Ngọc Thơm, Phó trưởng Ban Nghiên cứu học sinh dân tộc, Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk, Ban đã biên soạn nhiều đầu sách tiếng Ê-đê như bộ sách giáo khoa, sách học sinh, sách giáo viên, vở tập viết, vở làm bài, ngữ pháp, truyện đọc… tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học tiếng Ê-đê trong trường. Hầu hết các trường rải đều các tiết học môn tiếng Ê-đê xen kẽ vào chương trình học chính, đảm bảo quy chế của Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường như Tiểu học Nơ Trang Lơng chưa thực hiện đúng, chúng tôi sẽ kiểm tra trao đổi với trường để chất lượng dạy và học tiếng Ê-đê đảm bảo chất lượng dạy và học tiếng DTTS.

Hiện nay, toàn tỉnh Đăk Lăk có 120 trường tổ chức dạy tiếng Ê-đê, trong đó có 106 trường tiểu học, 14 trường THCS dân tộc nội trú với 673 lớp gồm 13.533 học sinh, 172 giáo viên. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên, cho nên hiện nay việc triển khai dạy tiếng Ê-đê vẫn chưa đồng bộ, chỉ thực hiện được ở một số điểm trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và giáo viên.

“Việc giảng dạy tiếng dân tộc theo Nghị định 82 của Bộ GD&ĐT và đã có Thông tư 50 hướng dẫn thực hiện, song vẫn còn nhiều giáo viên đứng lớp tiếng Ê-đê không có chế độ. Chúng tôi cũng đã có ý kiến với nhà trường, nhưng đến nay cũng chỉ nhận được câu trả lời chưa có văn bản của tỉnh trong việc thực hiện chi trả chế độ cho giáo viên đứng lớp tiếng Ê-đê ”, cô giáo H’li Ka niê cho hay.

Việc bảo tồn ngôn ngữ Ê-đê hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng liên quan, các chuyên gia nghiên cứu và của chính đồng bào Ê-đê để có những biện pháp thiết thực trong bảo tồn ngôn ngữ.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.