Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn (Lai Châu)

Thảo Khánh - 18:55, 22/12/2024

Dân tộc Mảng lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc, phản ánh đậm nét đời sống văn hoá, tín ngưỡng. Thông qua chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Lai Châu, nhiều nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào Mảng đã, đang được phục dựng, bảo tồn và lan tỏa, qua đó góp phần ổn định và phát triển đời sống tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đội văn nghệ bản Huổi Van biểu diễn tại chương trình tuyên truyền phục vụ công tác bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" (Chi lê xã sả lảm mể) dân tộc Mảng, huyện Nậm Nhùn năm 2024
Đội văn nghệ bản Huổi Van biểu diễn tại chương trình tuyên truyền phục vụ công tác bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" (Chi lê xã sả lảm mể) dân tộc Mảng, huyện Nậm Nhùn năm 2024

Dân tộc Mảng nằm trong 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Lai Châu là tỉnh có đông đảo người dân tộc Mảng sinh sống nhất, với hơn 6.000 người, sinh sống chủ yếu tại các huyện biên giới Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè.

Người Mảng có nền văn hóa rực rỡ với tiếng hát “Xoỏng” ngân vang, hòa quyện cùng âm thanh đàn một dây, khèn, sáo. Âm nhạc và điệu múa không chỉ để giải trí mà còn là linh hồn văn hóa, thể hiện tình yêu cuộc sống và sự gắn bó với đất mẹ.

Lễ hội Mừng lúa mới sau mỗi mùa thu hoạch, là dịp tri ân đất trời, thể hiện qua những bó lúa đẹp nhất được chọn làm lễ vật cùng lời khấn nguyện gửi đến thần linh.

Lễ hội được tổ chức sau mỗi mùa thu hoạch, là biểu tượng của tín ngưỡng nông nghiệp, nhằm tri ân đất trời và cầu mong mùa màng bội thu, như lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nguồn sống. 

Lễ vào nhà mới, diễn ra khi gia chủ hoàn thiện ngôi nhà mới có sự tham gia của cả cộng đồng, cùng dâng lễ vật như gạo, thịt và rượu lên các đấng bậc siêu nhiên, để cầu mong sự bảo hộ và bình an. Đây không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và thiên nhiên. 

Bảo tồn kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) 1
Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại chương trình tuyên truyền phục vụ công tác bảo tồn lễ hội "Mừng lúa mới" (Chi lê xã sả lảm mể) dân tộc Mảng ở Bản Huổi Van, huyện Nậm Nhùn

Âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của người Mảng là sợi dây kết nối các thế hệ. Tiếng sáo dài hay còn gọi là "Lờ lầm"- một loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc Mảng và điệu múa truyền thống không chỉ là công cụ giải trí mà còn là linh hồn của văn hóa, thấm đẫm tình yêu cuộc sống và lòng biết ơn thiên nhiên. 

Phụ nữ Mảng nổi bật với tài đan lát tinh xảo, tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo vừa hữu dụng vừa mang tính thẩm mỹ cao. Trang phục truyền thống, với họa tiết giản dị nhưng tinh tế, phản ánh vẻ đẹp mộc mạc và nhân văn.

Việc gìn giữ, bảo tồn Lễ hội “Mừng lúa mới” là một trong những hoạt động thuộc Dự án 9 "Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn" (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Tại bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn là nơi có đa số đồng bào Mảng sinh sống. Thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền thông qua hình thức phát tờ rơi các thông tin về Lễ “Mừng lúa mới”, trưng bày hình ảnh có nội dung về quá trình chuẩn bị cho Lễ hội "Mừng lúa mới"; tiến trình Nghi lễ “Gọi hồn lúa”, để mang lúa về nhà; 

Những sản phẩm độc đáo làm từ mây tre của đồng bào dân tộc Mảng tại bản Huổi Van, xã Nậm Hàng
Những sản phẩm độc đáo làm từ mây tre của đồng bào dân tộc Mảng tại bản Huổi Van, xã Nậm Hàng

Ông Phường Văn Ơn,Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, chia sẻ: Việc tổ chức Lễ "Mừng lúa mới" tùy theo khả năng của từng bản. Nếu như năm nào, vụ mùa đạt sản lượng cao thì làng tổ chức lễ quy mô lớn và ngược lại, mất mùa thì chỉ tổ chức nhỏ. Tuy nhiên, Lễ "Mừng lúa mới" đều có sự tham gia đóng góp của dân làng trong bản, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Đây là hoạt động văn hoá rất ý nghĩa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cần được tiếp tục gìn giữ phát huy và bảo tồn.

Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Nậm Nhùn, khẳng định: Thông qua chương trình giúp người dân tộc Mảng nói riêng và đồng bào DTTS trên địa bàn nói chung trang bị được các kiến thức về văn hoá truyền thống, giúp họ hiểu được ý nghĩa vai trò cũng như tầm quan trọng của Lễ hội “Mừng lúa mới”, từ đó ngày càng có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Lễ "Mừng lúa mới" được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, không sâu bệnh phá hoại, chim, sóc, thú rừng phá, mùa màng mới được bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp khác. Lễ hội diễn ra sau khi đã thu hoạch, đây là một những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Mảng vẫn được lưu giữ theo truyền thống của đồng bào dân tộc.

Hiện nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như giao thông cách trở, sự mai một ngôn ngữ và ảnh hưởng của văn hóa hiện đại, người Mảng vẫn kiên trì giữ gìn các giá trị truyền thống. Những phong tục, nghi lễ, tri thức dân gian được truyền qua các thế hệ, như nhịp cầu văn hóa kết nối quá khứ và tương lai, giúp bảo tồn văn hóa dân tộc Mảng.

Bản sắc văn hóa Mảng như bông hoa rừng giản dị nhưng kiêu hãnh giữa núi rừng Tây Bắc, xứng đáng được bảo vệ và phát huy. Đây không chỉ là tài sản của riêng dân tộc Mảng, mà còn là một phần di sản văn hóa quý báu của đất nước, góp phần làm rạng rỡ bức tranh nhiều sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).