Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người: Chạy đua cùng thời gian

PV - 11:01, 16/05/2018

Trong 53 DTTS của nước ta, có những dân tộc rất ít người, như: Cờ Lao, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo… Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội nói chung thì nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cũng được triển khai. Tuy nhiên, không ít giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Bài 1: Hãy bắt đầu từ bảo tồn tiếng mẹ đẻ

Ngôn ngữ là một trong những tiêu chí quan trọng và là thành tố cơ bản để xác định thành phần tộc người. Mất đi thành tố này, trong quá trình giao thoa, hội nhập, bản sắc văn hóa của không ít cộng đồng dân tộc đứng trước nguy cơ bị hòa tan.

Tiếng mẹ đẻ chỉ còn dùng trong nghi lễ

Nằm dưới chân đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, Túng Sán (Hoàng Su Phì, Hà Giang) được xem là “thủ phủ” của dân tộc Cờ Lao, một trong những cộng đồng có dân số rất ít người của nước ta. Túng Sán cũng là xã thuộc diện nghèo nhất nhì của huyện Hoàng Su Phì.

Người Cờ Lao vẫn giữ được trang phục truyền thống nhưng ngôn ngữ đang dần mất đi. (Ảnh tư liệu) Người Cờ Lao vẫn giữ được trang phục truyền thống nhưng ngôn ngữ đang dần mất đi. (Ảnh tư liệu)

Kết quả khảo sát mới đây của Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang (tháng 4/2018) cho thấy, toàn xã Túng Sán có 615 hộ/3.100 nhân khẩu (gồm 6 dân tộc); trong đó có 195 hộ/982 nhân khẩu là đồng bào Cờ Lao, chiếm 31% dân số của toàn xã. Số hộ nghèo dân tộc Cờ Lao là 117/352 hộ, chiếm 33% tổng số hộ nghèo của xã;…

Ngoài những khó khăn về kinh tế thì đồng bào Cờ Lao ở Túng Sán đang đứng trước nguy cơ bị hòa tan về bản sắc văn hóa. Đáng chú ý, dù chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số toàn xã nhưng cả cộng đồng dân tộc Cờ Lao chỉ còn dăm ba người biết tiếng mẹ đẻ; hầu hết người Cờ Lao ở Túng Sán đều sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc khác trong giao tiếp.

Ông Min Phà Khái, sống tại thôn Tà Chải, người thạo tiếng Cờ Lao nhất ở Túng Sán cho biết, tiếng Cờ Lao giờ chỉ sử dụng trong các nghi lễ. Cả xã hiện chỉ có 5-6 người biết tiếng Cờ Lao gốc, phần lớn là người hành nghề thầy cúng.

“Người Cờ Lao giờ nói được tiếng Kinh, một số nói tiếng Mông, Tày, Nùng, nhưng không ai nói tiếng mẹ đẻ nữa cả”, ông Khái cho biết.

Nhưng không phải người hành nghề thầy cúng nào cũng đọc và hiểu hết tiếng Cờ Lao gốc trong các văn tự cổ được lưu truyền từ hàng chục thế hệ. Chính thầy cúng Min Phà Thìn, ở thôn Khu Trù Sáng đã chia sẻ: “Tiếng Cờ Lao cúng, làm ma thì được, chứ nói chuyện thì không được đâu”.

Cũng như người Cờ Lao ở Túng Sán, nhiều cộng đồng dân tộc ít người khác đã và đang không sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hằng ngày. Như dân tộc Bố Y, hiện còn khoảng 2.300 nhân khẩu, được chia làm 2 nhóm địa phương là Tu Dí-Lào Cai và Bố Y-Hà Giang. Hiện người Tu Dí ở Lào Cai nói tiếng Quan Hỏa (tiếng Hán phương Nam); còn người Bố Y ở Hà Giang lại dùng tiếng Giáy và tiếng Tày làm ngôn ngữ giao tiếp.

Các dân tộc ở khu vực Tây Bắc như: Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái. Đáng chú ý, việc không còn dùng tiếng mẹ đẻ không chỉ xảy ra trong giao tiếp mà ngay trong các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun, tiếng Thái cũng chiếm 70-80%.

Sự “lệch pha” của nguồn lực đầu tư

Để phát triển các cộng đồng DTTS có dân số rất ít người, nhiều năm qua, Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ; những địa phương liên quan cũng có những chương trình, dự án hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, đa số các chính sách đều chú trọng về đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Có thể thấy rõ điều này ở “Đề án phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 1672), được triển khai từ năm 2011 đến năm 2020. Với tổng kinh phí thực hiện gần 1.043 tỷ đồng, mục tiêu của Đề án là phát triển toàn diện vùng 4 dân tộc rất ít người. Tuy nhiên, khi triển khai, các địa phương được thụ hưởng (Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang) xây dựng các dự án thành phần chỉ chú trọng đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, nội dung bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống bị xem nhẹ.

Lấy việc thực hiện Đề án này ở xã Túng Sán làm minh chứng. Theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang (tháng 4/2018), thực hiện Đề án 1672 ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì và tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ cho 77 hộ đồng bào Cờ Lao làm nhà ở (8,4 triệu đồng/hộ); hỗ trợ kinh phí cho các hộ làm nhà vệ sinh;…

Ngoài ra, 124 hộ đồng bào dân tộc Cờ Lao ở Túng Sán còn được hỗ trợ 252 con dê để phát triển sản xuất; được hỗ trợ tập huấn khuyến nông, khuyến lâm;… Tại 6 thôn ở Túng Sán có người Cờ Lao sinh sống còn được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, lắp đặt hệ thống loa không dây,…

Chỉ tính sơ sơ, số tiền chi cho các nội dung hỗ trợ này cũng hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, các nội dung hỗ trợ đồng bào Cờ Lao ở Túng Sán theo Đề án 1672 cũng có trong nhiều chương trình, dự án khác, nhất là Chương trình 135, Chương trình 30a,… Hoàng Su Phì là huyện nghèo 30a, xã Túng Sán là xã khu vực III, được thụ hưởng Chương trình 135 nên đồng bào Cờ Lao ở Túng Sán đều được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ hai Chương trình này.

Đề án phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ theo Quyết định 1672/QĐ-TTg trên thực tế là bộ khung; 3 địa phương được thụ hưởng có trách nhiệm xây dựng các dự án thành phần để triển khai, tùy vào tình hình thực tế của địa phương, làm thế nào để bảo đảm phát triển toàn diện vùng 4 dân tộc rất ít người. Vậy, để tránh trùng lắp, chồng chéo chính sách, tại sao khi xây dựng dự án thành phần, các địa phương không chú trọng xây dựng nội dung bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, nhất là gìn giữ tiếng mẹ đẻ đang có nguy cơ biến mất của các dân tộc này?

Thực tế, việc gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc rất ít người hiện vẫn chưa muộn. Ở những cộng đồng dân tộc rất ít người có ngôn ngữ riêng, hiện dù không giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ nhưng vẫn còn một số người gìn giữ được. Nhưng trong trường hợp những người này mất đi, nếu không có giải pháp bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc đó thì sẽ như thế nào?

Cùng với nguy cơ “thất truyền” tiếng mẹ đẻ, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người đang bị mai một. Trong khi đó, công tác bảo tồn chưa thực sự trúng trọng tâm. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.