Ariya - Kho tàng tri thức quý hiếm
Trong gia đình của người Chăm có treo chiết trong nhà. Chiết là cái giỏ đan thủ công bằng tre, nứa dùng để đựng và bảo quản đồ cúng lễ, lễ phục và sách. Nội dung ghi chép trong các quyển sách cổ lưu truyền từ đời này, qua đời khác qua nhiều thế hệ. Trong đó, có những quyển Ariya ghi chép lại bối cảnh lịch sử của người Chăm qua các chặng đường phát triển và hội nhập.
Ariya là một loại hình thư tịch cổ của người Chăm, được viết bằng tay và được sao chép lại bằng chữ viết Akhar Thrah để sử dụng và lưu truyền lại cho đời sau, kể cả người Chăm Bàni và Bàlamôn.
Đây là những tác phẩm văn chương với nhiều thể loại khác nhau, như thơ ca, tráng ca, sử thi, gia huấn ca... Nội dung phong phú và đa dạng, thường miêu thuật về sinh hoạt của xã hội, các tầng lớp trên như vua chúa, tăng lữ và các tầng lớp dưới của xã hội...
Ariya còn là kho tàng tri thức quý hiếm chứa đựng nhiều nội dung, cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục của cộng đồng người Chăm.
Ariya đã có từ lâu đời trong các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm. Người nông dân sau một ngày làm việc mệt mỏi trên cánh đồng thường sẽ ngả lưng trên võng hát, ngâm Ariya để vơi đi những lo toan, vất vả của cuộc sống đời thường. Vào các dịp tang ma, lễ hội cộng đồng, các nghệ nhân, bô lão thường gặp gỡ nhau chia sẻ nỗi buồn, vui của cuộc sống.
Thể loại Ariya của người Chăm ảnh hưởng từ sử thi Ấn Độ qua các nước Malaysia, Indonesia, truyền bá vào nền văn học Chăm. Do đó, giai đoạn đầu các bài Ariya của người Chăm xuất hiện nhiều lớp từ vay mượn từ tiếng ngoài, từ cách đặt tác phẩm, nhân vật đến cốt truyện. Nhưng nó được chuyển hóa cho phù hợp với ước vọng, đặc điểm tâm lý của người Chăm. Các trường ca nổi tiếng như Um Marup, Inra Patra và Dewa Mano…
Sau dòng văn học ảnh hưởng nước ngoài, là các sáng tác bình dân, mang thuần túy tâm hồn, tình cảm, tường thuật các sự kiện diễn ra trong bối cảnh đời sống xã hội người Chăm. Chính vì vậy, dòng chảy về sáng tác Ariya phát triển liên tục không ngừng.
Đặc điểm sáng tác Ariya của người Chăm đều khuyết danh tác giả. Đồng bào xem tác phẩm ra đời, như là sáng tác tập thể hoặc là những lời mặc khải của thần linh, chứ không phải là sáng tác của người trần gian.
Nghệ thuật hát ngâm Ariya
Nội dung bài hát ngâm Ariya miêu tả về cảnh sinh hoạt đời thường như cày cấy, gặt hái, giã gạo, đàn ông dựng rạp lễ, đàn bà đội nước, các lễ nghi phong tục tập quán, các hoạt động làng xã được tác giả đưa vào câu chuyện. Các nhân vật ở đây, rất gần gũi trong sinh hoạt đời thường.
Từ cái tên đến nhân cách, từ tiếng nói, điệu cười đến lối biểu lộ tình cảm hay cách suy nghĩ. Các tác phẩm thuộc dòng văn học trữ tình Chăm, đều được gợi hứng từ câu chuyện có thật: Người thật, việc thật và tâm tư tình cảm chân thật.
Các bài hát Ariya của người Chăm đều được ghi chép bằng chữ viết Akhar Thrah. Nội dung các bài hát có độ dài trung bình từ 100 - 200 câu lục bát. Việc học hát và nhớ thuộc lòng hết nội dung bài hát rất khó khăn. Vì vậy, những người hát Ariya ngoài có tố chất về chất giọng, còn phải biết chữ Chăm để dễ dàng trong việc tiếp cận văn bản viết.
Kỹ thuật hát ngâm Ariya phổ biến nhất hiện nay, là giọng Matai và Hadiip. Nghĩa là giọng ngâm trầm, bổng. Một câu thơ lên giọng cao, thì sẽ có một câu thơ hạ giọng xuống thấp. Ngoài ra, còn có một số giọng hát đặc trưng riêng dành cho từng bài hát, như giọng hát Ariya Déwa Mâno, Sah Pakei, Pataow Adat Likei, Pataow Adat Kamei…
Nghệ thuật hát Ariya ngoài những giá trị về mặt văn học, còn có giá trị về mặt văn hóa và ngôn ngữ. Các đề tài sáng tác Ariya đều lấy cảm hứng từ những hoạt sống, sinh hoạt, lễ hội, tang ma và sự kiện chân thật làm chất liệu để xây dựng tác phẩm. Do đó, thông qua các bài Ariya, giúp hiểu biết về đời sống của người Chăm.
Những lời ngâm Ariya còn mang tính giáo dục, khuyên dạy các thanh nam, thanh nữ rèn luyện đức tính và phẩm hạnh để sống tốt sống có ích và làm nhiều việc thiện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp.
Thách thức trong công tác bảo tồn
Để có thể đọc và học thuộc lòng những bản trường ca dài hàng trăm câu thơ, đòi hỏi những người hát Ariya phải có trí nhớ tốt và biết chữ Chăm để tập luyện, đọc văn bản thường xuyên. Do đó, các nghệ nhân biết trình diễn ngâm Ariya chủ yếu là người lớn tuổi.
Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông giải trí xuất hiện nhiều, thì loại hình sinh hoạt hát ngâm Ariya rơi vào quên lãng dần dần. Nghệ nhân lớn tuổi qua đời không có truyền nhân kế thừa nối tiếp. Những đêm trăng thanh vắng hẳn những âm thanh trầm bổng của lời ca Ariya.
Nhận thấy giá trị của nghệ thuật hát,ngâm Ariya trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Chăm có dấu hiệu đang mai một dần, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã tổ chức điều tra, khảo sát tại 35 làng/thôn có người Chăm sinh sống trong toàn tỉnh Ninh Thuận.
Kết quả điều tra ghi nhận, hiện có 106 bài Ariya đang lưu truyền trong dân gian, 24 nghệ nhân còn hát Ariya, 20 nghệ nhân còn khả năng truyền dạy và 18 nghệ nhân mới thuộc thế hệ học trò đang theo học hát.
Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm đang gặp không ít những khó khăn, nhất là Ariya - kho tri thức dân gian quý giá nếu không tiến hành nghiên cứu, sưu tầm kịp thời, sẽ cùng với những già làng và các nghệ nhân cao tuổi ra đi mãi mãi, không có cơ hội để cứu vớt những gì còn lại.
Do vậy, việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương để bảo tồn sưu tầm kịp thời và hỗ trợ các nghệ nhân đang thực hành di sản văn hóa nói chung, di sản Ariya của đồng bào Chăm nói riêng... cần sớm được các địa phương, cơ quan chuyên ngành quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo điều kiện cho nghệ nhân sống ổn định, yên tâm truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các thế hệ trẻ kế thừa và tiếp bước con đường truyền bá nghệ thuật hát ngâm Ariya.