Tham dự Ngày hội, có các đoàn, nghệ nhân đến từ các tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế và một số đoàn nghệ nhân trong tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, đơn vị tổ chức đã dày công sưu tầm, trưng bày các đồ dùng thời bao cấp. Cũng tại đây, sẽ tái hiện hình ảnh các hoạt động sinh hoạt thường ngày, buôn bán của người dân những ngày đất nước sau năm 1975.
Tại Ngày hội, du khách được thưởng thức các tiết mục trình diễn nghệ thuật dân gian do chính các nghệ nhân đến từ các huyện, địa phương thể hiện như: Trống trận Tây Sơn; trình diễn Cồng chiêng; biểu diễn múa khèn, thổi sáo của người Mông; biểu diễn múa rối nước của Nhà hát Múa rối Huế; hòa tấu nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng và đàn T’rưng, đàn đá…); múa xòe của người Mường (Hòa Bình); hát Then, đàn tính của người Tày, Nùng (Cao Bằng); múa sạp (nghệ nhân người Tày, Thái)...
Đồng thời, du khách sẽ tận thấy nhiều hoạt động văn hóa diễn ra. Đây sẽ là khoảng thời gian quý báu để mọi người cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian như nặn tò he, viết thư pháp, bút lửa, đan lát, dệt vải, đi cà kheo, múa sạp… và trực tiếp cùng dân làng làm men rượu truyền thống, tạc tượng gỗ dân gian của người Tây Nguyên.
Thông qua hoạt động Ngày hội, hướng Nhân dân đến công tác bảo tồn những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời, quảng bá đến công chúng và du khách những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Một số hình ảnh tại Ngày hội