Ngoài số người bị thương và mất tích, tính đến 20 giờ ngày 28/10, có 360 xã đang bị mất điện do cột điện, trụ điện bị gió quật đổ. Ngành Điện đã chủ động cắt điện chống bão (Đà Nẵng 11 xã, Quảng Nam 56 xã, Quảng Ngãi 145 xã, Bình Định 97 xã, Phú Yên 51 xã). Hệ thống điện mặt trời tỉnh Bình Định bị hư hại.
Đối với hai sự cố tàu của tỉnh Bình Định bị chìm trên biển ngày 27/10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ.
Tại Kon Tum, mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt 2 thôn với 259 hộ và 1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, một cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ với 680 người thôn 11, xã Đăk Ruồng; sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Huyện Kon Plông đã di dời 47 hộ dân tại các điểm dân cư bị sạt lở đến nơi an toàn. Huyện Đăk Glei di dời một điểm tái định cư thôn Kon Năng với 37 hộ (105 nhân khẩu). Huyện Tu Mơ Rông di dời 15 hộ dân ở hạ lưu đập Thủy điện Đăk Trang.
Tại tỉnh Gia Lai, đến cuối ngày 28/10, đã có 1 người chết do ảnh hưởng của bão số 9 cùng nhiều nhà ở bị tốc mái, công trình giao thông bị hư hỏng. Thống kê ban đầu, đã có 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 181 ngôi nhà bị tốc mái; làm tốc mái 2 nhà giáo viên tại huyện Kông Chro, 2 trường mẫu giáo tại huyện Chư Sê và huyện Kbang. Nhiều điểm trường bị sập mái nhà xe, tường rào. Các công trình văn hóa cũng bị hư hỏng.
Tại tỉnh Đăk Lăk, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơn bão đã làm 1 người chết, hàng nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Hoàn lưu bão số 9 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh đêm 28/10 và ngày 29/10 từ 40,0 - 70,0mm, đe dọa xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt cục bộ tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Búk Ea H’leo, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận.
Tại Quảng Nam, mưa lũ đã gây ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My vùi lấp 11 hộ gia đình với 53 người, tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn vùi lấp 11 người và khiến 200 công nhân tại dự án thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập.
Ngay khi kết thúc cuộc họp khẩn lúc nửa đêm 28/10 với Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, lúc 3h sáng 29/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo UBND tỉnh, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các cánh quân ngay lập tức lên đường, xuyên đêm để kịp thời cứu nạn người dân ở 2 vụ sạt lở nghiêm trọng
Tính đến chiều 29/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy 16 thi thể nạn nhân. 33 người đã được cứu sống. Hiện, không chỉ đường lên Trà Leng bị tắc, mà hầu hết các mạng viễn thông đều mất sóng. Điện lưới bị cắt hoàn toàn.
Còn tại Phước Lộc, đến 15h15 phút chiều 29/10, ông Lê Xuân Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Agrita Quảng Nam, chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăk Mi 2 cho biết, sau nhiều giờ đi bộ vào hiện trường, Đoàn của Công ty đã tiếp cận được tất cả 5 điểm mà 200 công nhân đang thi công dự án bị mắc kẹt.
Theo người dân ở đây cho biết, từ cả trăm năm nay chưa có khi nào xảy ra cơn lũ, nước dội về ầm ầm như như thác đổ. Thiệt hại về vật chất là rất lớn nhưng hiện chưa thể thống kê được.