Tại cuộc họp báo ngày 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương đã đưa ra những thông số lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024.
Bên cạnh những kết quả tích cực về phát triển kinh tế thì bà Hương cho biết, trong những tháng đầu năm Giáp Thìn, đời sống dân cư được cải thiện. Kết quả sơ bộ từ cuộc "Khảo sát mức sống dân cư 2024" cho thấy, thu nhập bình quân đầu người quý I/2024 ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 19/3/2024, số tiền hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 8,1 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 9,2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 26,8 tỷ đồng.
“Để người dân không bị thiếu đói, tính từ đầu năm đến nay, tổng số gạo đã hỗ trợ cho người dân hơn 17,7 nghìn tấn gạo. Trong đó, hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 103,7 nghìn hộ với 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 2,3 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho hơn 33 nghìn hộ với 155,7 nghìn nhân khẩu”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thông kê cho biết.
Trong quý I/2024, hoạt động sản xuất lâm nghiệp gắn liền với thu nhập của người dân miền núi cũng có những biến động không mấy khả quan. Trong khi diện tích rừng trồng mới tập trung giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước thì diện tích rừng bị thiệt hại tăng 0,3%, (tương ứng là 252,3 ha); trong đó: siện tích rừng bị chặt, phá là 182,2 ha, diện tích rừng bị cháy là 70,1 ha.
Những con số đó làm ai cũng ấm lòng vì chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình còn khó khăn. Nhưng lại day dứt vì vẫn còn nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn thiếu đói mùa giáp hạt. Đây là những hộ đã được các địa phương lên danh sách đề nghị Trung ương hỗ trợ gạo trước khi đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trước thời điểm đón Tết cổ truyền, đã có 15 địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 14.169 tấn gạo cứu đói cho 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu.
Đó là các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước. Trong đó, hỗ trợ cứu đói Tết Nguyên đán hơn 11.551 tấn gạo cho 770.125 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt hơn 2.617 tấn gạo cho 165.341 nhân khẩu.
Thực tế, năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là lúc đồng bào vùng cao ở nhiều địa phương lại phải đối mặt với nỗi lo mùa giáp hạt. Vì thế, trước mùa giáp hạt đầu năm, Chính phủ đều xuất cấp gạo dự trữ để hỗ trợ giúp bà con vơi đi gánh nặng lo toan trong “tháng ba, ngày tám”…
Năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Dự trữ quốc gia (Bộ Tài chính), đã xuất cấp hơn 96 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có 4.648 tấn trong kỳ giáp hạt.
Những hạt gạo dự trữ được xuất cấp gói gém tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con ở vùng khó khăn. Bởi khi lúa, ngô trong bồ đã cạn mà lúa ngoài đồng còn xanh, không ít gia đình, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải trải qua những bữa cơm độn khoai, sắn, thậm chí là đứt bữa. Được hỗ trợ 15kg gạo/tháng/nhân khẩu trong mùa giáp hạt đầu năm phần nào giúp nhiều gia đình vơi bớt khó khăn.
Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, để giúp các hộ nghèo không bị thiếu đói trong mùa giáp hạt luôn cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương, của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là của chính các hộ thiếu đói, phát huy mọi nguồn lực, có các cơ chế, chính sách ưu tiên cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên.