Theo WHO, khoảng 17,5% số người trưởng thành trên thế giới không thể có con vào một thời điểm nào đó và có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực và giữa nước giàu với nước nghèo. Cụ thể, tỷ lệ này là 17,8% ở những nước thu nhập cao và 16,5% ở những nước thu nhập thấp.
Đây là lần đầu tiên trong một thập niên (1990-2021) WHO thực hiện báo cáo về vấn đề vô sinh ở người trưởng thành. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, báo cáo cho thấy thực trạng đáng báo động rằng vô sinh có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Báo cáo của WHO không đề cập nguyên nhân gây vô sinh, nhưng xác định đây là một thách thức đối với y tế toàn cầu.
Ông Tedros nêu rõ bệnh vô sinh ảnh hưởng tới hàng triệu người. Tuy nhiên, cho đến nay, căn bệnh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, thiếu nguồn tài trợ cho các giải pháp, trong khi nhiều người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc do hạn chế trong điều trị, chi phí cao và kỳ thị của xã hội. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo vấn đề này không nằm ngoài các chính sách và nghiên cứu y tế. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản và nguồn tài trợ y tế.
Trong khi đó, bà Pascale Allotey, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu sức khỏe sinh sản và giới của WHO, cho rằng chi phí chăm sóc sức khỏe sinh sản là một thách thức lớn, đồng thời cảnh báo đây là vấn đề bất bình đẳng nghiêm trọng và là bẫy nghèo y tế rất phổ biến. Theo bà, việc sinh con gắn liền với sức ép xã hội đáng kể. Những người vô sinh có thể bị kỳ thị, dẫn tới hay bị lo lắng và trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của họ.