Nhiều tồn tại, hạn chế được chỉ rõPhát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐDTQH Hà Ngọc Chiến cho biết, những năm qua, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, công tác này còn rất hạn chế, nhiều mục tiêu đề ra không đạt. Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS vẫn đang hết sức gay gắt, bức xúc tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Hiện vẫn còn hơn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đây là nguyên nhân chính làm cho kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao và vùng DTTS, miền núi là rốn nghèo của cả nước, công tác giảm nghèo ở các vùng này ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2018 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trình bày, các ĐBQH tham gia phiên giải trình đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua; trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hơn 10 lượt ĐBQH đã đặt câu hỏi tại phiên giải trình.
Theo đại biểu Quàng Văn Hương, Ủy viên thường trực HĐDTQH, qua giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi, các đoàn giám sát của HĐDTQH nhận thấy, trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương không có số liệu về tình hình các DTTS trên địa bàn, nhất là về hộ nghèo, hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, đại biểu Hương cũng băn khoăn khi nhiều tỉnh viết sai tên các DTTS.
Còn đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn ĐBQH Gia Lai) thì cho rằng, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc lâu nay là thiếu nguồn lực thực hiện. Theo đại biểu Vượt, một trong những nguyên tắc khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật-cụ thể ở đây là các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi, là phải bảo đảm được tính khả thi. Nhưng thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành nhưng không bố trí vốn để thực hiện, tức là chính sách bị “treo”, không khả thi.
“Vậy trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách cũng như các cơ quan kiểm tra, thẩm định ở đâu? Điều này cần phải được làm rõ để khi Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được thông qua sẽ tránh được vết xe đổ này”, đại biểu Đinh Duy Vượt đặt cho biết.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn ĐBQH Lai Châu) lại rất trăn trở khi nêu thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở vùng DTTS và miền núi đang có chiều hướng gia tăng. Vậy trách nhiệm của các bộ ngành liên quan đến vấn đề này như thế nào? Đặc biệt, phải làm rõ được trách nhiệm của cơ quan tham mưu, xây dựng cũng như các cơ quan kiểm tra, thẩm định các chính sách đã ban hành nhưng không bảo đảm được vốn để thực hiện.
Liên quan đến nguyên nhân khó giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận) nêu một thực trạng, một số địa phương, một số lãnh đạo mua hết đất của đồng bào, xây dựng khác sạn, resot,… Ở một số nơi, doanh nghiệp xin lập dự án, thu hồi đất của đồng bào để trồng cây công nghiệp, nhưng sau đó lại triển khai trồng khoai, trồng sắn; rồi chính những doanh nghiệp đó lại thuê đồng bào làm thuê trên đất của mình đã bị thu hồi.
“Nếu chỉ để trồng khoai, trồng sắn thì việc gì phải lập dự án thu hồi đất, cứ để bà con có tư liệu sản xuất, bảo đảm vấn đề an sinh”, đại biểu Cương nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng bày tỏ lo lắng về không gian văn hóa của đồng bào DTTS bị thu hẹp khi các địa phương thu hồi đất triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ở nhiều dự án, khi doanh nghiệp thu hồi đất đã bố trí tái định cư cho đồng bào, nhưng đồng bào DTTS ở tại một vị trí bao đời nay đã hình thành một tập quán, một không gian văn hóa riêng…..
Tại phiên giải trình, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến việc bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc đang có hiệu lực; nguồn lực bố trí không đủ, không kịp thời nên hầu hết các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (tập trung tại Quyết định 2085/QĐ-TTg) đều không đạt mục tiêu.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn ĐBQH Phú Thọ) cho rằng, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa đạt yêu cầu. Theo đại biểu Hàm, những nguyên nhân như: thiếu vốn, quỹ đất thiếu, rà soát nông trường chậm… đã được xác định từ rất lâu mà vẫn chưa xử lý được. Nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện thì chưa được làm rõ.
“Như vấn đề thiếu tiền, ngân sách quốc gia 5 năm đầu tư là 2 triệu tỷ đồng. Nếu chúng ta quan tâm thì không thể thiếu hơn 4 nghìn tỷ đồng để thực hiện Quyết định 2085. Không thể nói không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, vì chúng ta có thể sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu ngân sách hằng năm. Như năm 2018 chúng ta tăng thu hơn 32 nghìn tỷ đồng, vậy tại sao lại không sử dụng nguồn vốn này”, đại biểu Hàm phân tích.
Liên quan đến bố trí vốn cho chính sách tín dụng cho vay để mua đất ở, đất sản xuất, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, vốn giải ngân thực tế quá thấp so với nhu cầu. Như Quyết định 755/QĐ-TTg, theo rà soát có 114 nghìn hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu vay vốn; nhưng thực tế chỉ có 50 hộ được vay vốn, doanh số cho vay là 1,2 tỷ đồng, dư nợ 0,8 tỷ đồng. Rồi Quyết định 29/QĐ-TTg, tổng nhu cầu vay vốn là 4.339 hộ nhưng chỉ giai ngân được cho 10 hộ vay, với doanh số 0,3 tỷ đồng…
Cần ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã trả lời cụ thể những vấn đề được các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, trong rất nhiều báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi (cấp huyện, cấp tỉnh và cả cấp trung ương) đều khẳng định, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; nhưng khó khăn như thế nào thì không được cụ thể ra.
“Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS; qua đó sẽ đưa ra ít nhất được 5 chỉ tiêu cốt lõi để đánh giá được những khó khăn cụ thể của đồng bào DTTS”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho hay.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, ngoài nguyên nhân khách quan là do các cấp, ngành còn thiếu sự quan tâm thì nguyên nhân chủ quan chính là đội ngũ tham mưu về công tác dân tộc thực sự còn yếu. Đồng bào các DTTS là đối tượng yếu thế; những người làm công tác dân tộc đôi khi cũng là yếu thế.
“Hai ông yếu thế mà dựa vào nhau thì là yếu bình phương”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chia sẻ.
Đối với vấn đề một số văn bản của các địa phương viết sai tên DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ, đây là một thực tế. UBDT đã nhận được văn bản của 20 tỉnh đề cập đến vấn đề này và có đề xuất sửa cho đúng.
“Như dân tộc Mông, có văn bản thì viết HMông, có nơi lại viết H’Mông; dân tộc Sán Chỉ và Cao Lan được xếp vào nhóm dân tộc Sán Chay,…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, Luật Thống kê hiện hành quy định việc ban hành danh mục các dân tộc Việt Nam là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu và qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, UBDT đã trình và Phó Thủ tướng thường trực đã có cuộc họp liên ngành để xem xét nội dung này và đã có kết luận ban đầu là đồng ý xử lý một số giải pháp về kỹ thuật.
Với câu hỏi liên quan đến tình trạng đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, sau nhiều năm thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào DTTS trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng là một thực tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến dẫn chứng cụ thể, tại thời điểm năm 2012 có 40.027 hộ thiếu đất ở, 267.130 hộ thiếu đất sản xuất. Từ nhiều chương trình, dự án đã giải quyết được đất ở cho 14.125 hộ, đất sản xuất cho 78.775 hộ.
“Nhưng tại thời điểm năm 2018, qua rà soát thì cả nước có 58.123 hộ thiếu đất ở, tăng 18.106 hộ so với năm 2012; có 303.578 hộ thiếu đất sản xuất, tăng 36.448 hộ so với năm 2012”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBND Đỗ Văn Chiến cho biết.
Với nước sinh hoạt, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, năm 2012 cả nước có 588.360 hộ thiếu nước sinh hoạt thì đến năm 2018 đã giảm xuống còn 313.219 hộ, giảm 45% số hộ thiếu. Có được kết quả này phần lớn là do việc hỗ trợ nước sinh hoạt dễ thực hiện hơn. Còn với việc giải quyết đất ở, đất sản xuất thì lại vô cùng khó khăn.
Khẳng định công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS không đạt mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng, ở đây có trách nhiệm của UBDT trong việc khảo sát, thống kê, tổng hợp để xây dựng cũng như việc đánh giá, tổng kết thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế.
“Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng tự nhận thấy bản thân chưa thuyết phục được các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn thực hiện chính sách. Chúng ta đưa ra mục tiêu nhưng không có nguồn lực thực hiện”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến chia sẻ.
Trước băn khoăn của đại biểu về những giải pháp để giải quyết tồn tại trong việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, trong đó có vốn thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, Chính phủ đã giao UBDT xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2020, định hướng đến năm 2030; trong Đề án tổng thể có rất nhiều điểm mới; trong đó sẽ đề xuất có dòng vốn riêng để thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.
“Đồng bào DTTS hầu hết đều nghèo, lại sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, ở xã nghèo, huyện nghèo, tỉnh nghèo mà chúng ta cứ tránh từ vốn và tiền thì không thể thực hiện được. Do đó, trong Đề án tổng thể đã đề xuất Quốc hội phê duyệt dòng vốn riêng để thực hiện chính sách dân tộc. Nếu các đại biểu Quốc hội ủng hộ cho nội dung này thì chúng ta đi kiểm tra giám sát cũng thực hiện được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, giai đoạn tới, chúng ta cần đổi mới cách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo hướng tiếp cận sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, trong đó hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chỉ là một dự án hợp phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Giải quyết đất ở, đất sản xuất là một việc trong rất nhiều việc, để thực hiện được chủ trương có tính mục tiêu của Đảng, Nhà nước là thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc thiểu số và giữa các vùng miền, nên chúng tôi cũng vẫn tha thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi có địa chỉ rõ ràng, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan kiểm tra, giám sát và Quốc hội ấn định nguồn lực thực hiện”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, UBDT cũng đã biết rõ về tình trạng mua bán đất chính sách đã cấp cho đồng bào DTTS, thậm chí nắm được cả danh sách. Nhưng giải pháp xử lý tình trạng này lại thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Đất đai.
Liên quan đến lĩnh vực bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS phải di dời tái định cư khi thu hồi đất để triển khai các dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là vấn đề rất khó. Khi chúng ta di dân tái định cư để thực hiện các công trình trọng điểm của quốc gia, hay các dự án kinh tế lớn thì mọi cái đều có thể tính được ra tiền để đền bù, hỗ trợ; nhưng riêng cái đảm bảo văn hóa của đồng bào là không tính được nên không có một giải pháp nào hỗ trợ thiết thực.
“Như bố trí đất ở để dựng nhà sàn cho đồng bào DTTS, diện tích đất dài ít nhất là phải 13,5m. Nhưng giao đất chỉ được 10m nên phải vận động đồng bào chỉnh lại nhà sàn cho hợp khổ đất, tức là văn hóa cũng không giữ được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến ví dụ.
Đứng ở góc độ là người DTTS, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS điều quan trọng là phải xuất phát từ yếu tố tự thân chứ người khác không thể giữ cho mình được
Đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc tập trung nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc
Tại phiên giải trình, cùng với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo các bộ, ngành: Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Chính sách,… cũng đã giải đáp những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý.
Tham gia làm rõ một số vấn đề tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2012-2018, ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương, việc thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn được quy định cụ thể tại một số quyết định và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Mặc dù đã tập trung bố trí nguồn lực nhưng ngân sách nhà nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, định mức hỗ trợ còn thấp so với giá thực tế thị trường.
Về nguồn vốn bố trí thực hiện chính sách dân tộc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, dù rất nỗ lực nhưng chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối với ngân sách cho vùng DTTS và miền núi, bố trí vốn đạt thấp vì giai đoạn vừa qua chúng ta ban hành quá nhiều chính sách, quá nhiều chương trình nhưng không bám sát được khả năng cân đối nguồn lực. Bên cạnh đó, các chính sách được triển khai trên địa bàn rộng, đồng bào DTTS sống xa nhau, đối tượng hỗ trợ lớn, các địa phương vì vậy cũng cần nhiều thời gian để lập dự án, xác định đối tượng, trình các cấp để có cơ sở bố trí vốn… Một số trường hợp địa phương tổng hợp không chính xác, nên khi bố trí về cho địa phương cũng không hiệu quả.
Liên quan đến dòng tín dụng riêng thực hiện chính sách dân tộc được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời gian tới, nếu Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc, các cấp các ngành nghiên cứu tham mưu và tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện tốt chương trình này.
Kết luận Phiên giải trình, Chủ tịch HĐDTQH Hà Ngọc Chiến đánh giá cao Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã trách nhiệm, tích cực, nỗ lực, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Qua phiên giải trình, các đại biểu thống nhất sẽ tích hợp các chính sách thành một Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, để thực hiện từ năm 2021, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua.
SỸ HÀO