Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bàn giải pháp “dẫn” nước về đồng bằng sông Cửu Long

Sỹ Hào - Như Tâm - 06:39, 29/03/2024

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng một số tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đang nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt từ sông Hậu, sông Đồng Nai về để giải bài toán thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô. Trước biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ý tưởng đầu tư công trình để dẫn nước về cho vùng sông nước không còn là một nghịch lý “chở củi về rừng”.

Bàn giải pháp “dẫn” nước về đồng bằng
Bộ NN&PTNT sẽ cùng tỉnh Cà Mau “hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ (đặt tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - Sông Trẹm, thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình và xã Khánh An, huyện U Minh)., khi hoàn thành sẽ ngăn nước mặn chảy từ biển vào Cà Mau.

“Điểm nóng” Cà Mau

Cà Mau là tỉnh có địa hình thấp, ba mặt tiếp giáp với biển, hệ thống sông, rạch, kênh mương chằng chịt. Tuy nhiên, đây là tỉnh duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông; sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm.

Chính vì vậy, hạn hán và xâm nhập mặn là những loại hình thiên tai nguy hiểm, tác động thường xuyên, trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của người dân Cà Mau. Năm nay, hạn đến sớm và gay gắt hơn những năm trước, khiến mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt trên địa bàn tỉnh tiếp tục khô cạn.

Bàn giải pháp “dẫn” nước về đồng bằng 1
Sạt lở, sụt lún trước trụ sở UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau), hạn nặng khiến mạch nước ngầm không có nguồn nước bổ sung, đã gậy sạt lở, sụt lún trên diện rộng ở huyện Trần Văn Thời – vùng ngọt duy nhất của bán đảo Cà Mau.

“Tính đến ngày 22/3/2024, trên địa bàn vùng ngọt đã xảy ra sạt lở, sụt lún tổng số 131 tuyến, có 556 vị trí, với tổng chiều dài 14.864m, trong đó: đường bê tông dài 10.995m, đường đất đen dài 3.869m; ước tính thiệt hại hơn 20 tỷ đồng”, ông Tùng cho biết.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước ở Cà Mau chắc chắn phải chuyển nước ngọt từ nơi khác về. Trước mắt, trong giai đoạn trung hạn sẽ làm cống âu thuyền Tắc Thủ và đến giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua sông Chắc Băng và Quản Lộ - Phụng Hiệp về cho Cà Mau, khi đó sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước ngọt cho bắc Cà Mau và nam Cà Mau.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Theo Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino (từ tháng 1 đến tháng 6/2024), khả năng hạn hán gay gắt, nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân tiếp tục diễn ra. Tại Cà Mau sẽ còn xuất hiện thêm nhiều điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa, thiệt hại tài sản và đi lại của người dân, đặc biệt là ở huyện Trần Văn Thời.

Nhưng mối lo trước mắt của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cà Mau, là tình trạng thiếu nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.742 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.

Để giải quyết tình thế, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã lên phương án xin hỗ trợ khẩn cấp 39,2 tỷ đồng; trong đó sẽ cấp phát 758 bồn nước cho 1.344 hộ dân cư sinh sống phân tán, không có dụng cụ chứa nước; thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung. Đối với 997 hộ dân cư sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau sẽ kéo dài mạng đường ống tại 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài tuyến ống khoảng 83,5 km.

Bàn giải pháp “dẫn” nước về đồng bằng 3
Sạt lở, sụt lún ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đầu tư Dự án “Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn” với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, cấp nước tập trung cho hơn 14.000 hộ dân, đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 6% số hộ dân nông thôn của tỉnh.

Đề xuất táo bạo

Để ứng phó với tình trạng hạn hán gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và dân sinh, cùng với các giải pháp phi công trình, thì hằng năm tỉnh Cà Mau đã đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống kênh, rạch, các tuyến đê để khép vùng giữ ngọt. Trong “Phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023 – 2025”, tỉnh Cà Mau cũng đã dự kiến đầu tư 5 hệ thống thủy lợi, kinh phí thực hiện khoảng 197.040 tỷ đồng.

Và mới đây (ngày 14/3/2024) trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tỉnh Cà Mau đã đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm. Phương án này sẽ đảm bảo nước để phát triển sản xuất cho hơn 90.000ha đất ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Ý tưởng đầu tư công trình thủy lợi để “bơm” nước cho vùng khô hạn không chỉ riêng Cà Mau mà còn là đề xuất của tỉnh Bến Tre với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khi Đoàn công tác của Bộ làm việc với tỉnh ngày 12/3/2024. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre tại buổi làm việc này, toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước với 40 nhà máy nước bị ảnh hưởng hạn mặn với 12 nghìn hộ dân.

Bàn giải pháp “dẫn” nước về đồng bằng 4
Dự kiến có khoảng 12.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vào cuối tháng 3 và trong tháng 4 /2024do hạn hán ảnh hưởng làm thiếu nước cục bộ ở nhiều nơi.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, để bảo đảm nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô hạn, Bến Tre cùng với hai tỉnh lân cận là Tiền Giang và Long An đã bàn đến giải pháp đầu tư nhà máy nước tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), từ đó dẫn nước thô về cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre và Long An. Tuy nhiên, phương án này không thực sự bền vững bởi xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, có khả năng vượt qua khu vực cầu Mỹ Thuận, nơi nhà máy nước thô dự kiến đầu tư xây dựng.

“Do đó, cần nghiên cứu đến phương án đầu tư dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai về để không chỉ phục vụ riêng cho tỉnh Bến Tre mà còn các địa phương khác. Thậm chí có thể dùng nước được dẫn từ sông Đồng Nai về để đẩy lùi nước mặn trên các nhánh sông Mekong”, ông Tam đề xuất.

Trước đề xuất táo bạo của hai tỉnh Cà Mau và Bến Tre, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định, ý tưởng xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước từ các hệ thống sông chính ở vùng ĐBSCL về các vùng hạ nguồn đã được cơ quan khoa học của Bộ cùng các cơ quan độc lập khác nghiên cứu. Tuy nhiên, cần tính đến hiệu quả của giải pháp quy mô lớn như vậy so với giải pháp tại chỗ như xây dựng các công trình tích trữ nước nhỏ. Việc đưa nước từ sông Hậu về Cà Mau, từ sông Đồng Nai về Bền Tre, Long An, Tiền Giang,... là vấn đề lớn, cần nghiên cứu tổng thể, toàn diện để đưa ra giải pháp phù hợp.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.