Ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Tây Nguyên là trung tâm giao thoa nhiều nguồn văn hóa, đồng bào các dân tộc bao đời nay đã sưu tầm và giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc như: sử thi, thơ ca, múa, cồng chiêng…. Đó là tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo riêng có của Tây Nguyên. Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm cùng đồng bào Tây Nguyên giữ gìn những giá trị văn hóa rất riêng đó,…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội thảo cần bàn kỹ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên để có những chương trình cụ thể nhằm tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; bảo tồn không gian văn hóa Tây Nguyên gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị.
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tính đến hết năm 2019, cả nước đã xếp hạng 3.451 di tích quốc gia, trong đó có 112 di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm 69 di tích liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS được cụ thể hóa bằng những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Trong số 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi nhận có 3 di sản của các các DTTS gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Then Tày, Nùng, Thái. Trong số 364 di sản văn hóa phi vật thể đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có đến 178 di sản của các DTTS.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch - Trịnh Thị Thủy cũng cho biết: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng DTTS và miền núi, thời gian qua, Bộ văn hóa Thể Thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) từ Trung ương đến địa phương; tổ chức định kỳ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, Đông Bắc; Giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc; Tổ chức gặp mặt nghệ nhân và người có công trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS;…
Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cũng quan tâm phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS. Việc tăng cường kết hợp, lồng ghép các dự án văn hóa với các chương trình, dự án phát triển văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tập tục lạc hậu...
Thảo luận tại Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, di sản văn hóa là tài sản, nguồn lực quan trọng góp phần thực sự vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên hiện nay, nhiều di sản văn hóa chưa được phát huy đúng mức và một số di sản đang đứng trước nguy cơ mai một. Cần nhanh chóng bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa với sự hiểu biết đầy đủ, khoa học để giữ gìn văn hóa, góp phần vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
Về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tại Hội thảo, nội dung bảo tồn văn hóa truyền thống là một trong những dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. “Chúng tôi cùng với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ bàn bạc để đổi mới cách thức tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, tăng cường giao thoa văn hóa và học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế giữa các dân tộc. Ngày hội văn hóa phải gắn với phát triển du lịch, mời gọi du khách đến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc...” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định.
Nhân dịp Hội thảo, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh-xã hội, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam tặng đồng bào DTTS nghèo của 15 tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng.