Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Chủ động phối hợp, tham mưu đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Thanh Nguyễn - 09:35, 07/10/2023

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), bước đầu tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều dự án, thành phần vẫn gặp khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp quyết liệt, nhất là công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn về quy trình thủ tục, cơ chế chính sách để thực hiện, sớm đẩy nhanh tiến độ Chương trình MTQG 1719.

Thi công chợ Châu Hạnh huyện Quỳ Châu
Công trình chợ Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đang được huyện thi công

Khó khăn vẫn hiện hữu

Chương trình MTQG 1719 tại Nghệ An được triển khai ở cả 10 dự án với 16 tiểu dự án. Nhưng hiện nay, có 4 dự án, với 5 tiểu dự án và 2 nội dung còn gặp những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện. Cụ thể, địa phương gặp nhiều vướng mắc ở các dự án: Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tiểu dự án 1 và tiểu dự án 2 của Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Qua tổng hợp từ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, việc thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đang gặp vướng mắc về định mức đất ở, đất sản xuất. Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định về định mức đất ở, đất sản xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân nói chung; hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và dân tộc nói riêng. Vì vậy, không có cơ sở để ban hành văn bản quy định định mức đất ở, đất sản xuất cho mỗi hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Tại tiểu dự án 1, Dự án 3, có nội dung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, quy định đối tượng áp dụng là “hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi”. 

Nhu cầu về nhà ở của cha con ông Mạc Văn Thìn ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đang rất cấp bách
Nhu cầu về nhà ở của cha con ông Mạc Văn Thìn ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đang rất cấp bách

Như vậy, người dân sinh sống trên địa bàn các thôn/bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I (tỉnh Nghệ An có 32 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I) và thôn/bản đặc biệt khó khăn của xã không thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (tỉnh Nghệ An có 5 thôn ĐBKK không thuộc xã vùng đồng bào DTTS và miền núi) không được hưởng chính sách giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng.

Còn với tiểu dự án 2, Dự án 3 có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, quy định tổng diện tích triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210ha. Tổng diện tích triển khai dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao tối thiểu là 50 ha. 

Việc quy định diện tích tối thiểu như vậy là rất lớn, không có diện tích đảm bảo, gây khó khăn khi thực hiện tại địa phương; mặt khác, để triển khai nội dung này cần có sự tham gia của các doanh nghiệp; vì vậy, nội dung này chưa bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2022, 2023 để thực hiện.

Còn ở Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; tại Hướng dẫn số 04 ngày 28/7/2022 của Hội LHPN Việt Nam về triển khai Dự án 8, một số nội dung chưa được quy định cụ thể về cách thức thực hiện và mức chi, như trong thiết lập địa chỉ an toàn; hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ 4.0; thành lập Đoàn giám sát;… nên một số địa phương còn lúng túng.

Bà Cụt Thị Huyền ở tại bản Cha Ca 2 xã Bảo Thắng huyện Kỳ Sơn bên công trình nước sạch phân tán vừa được đầu tư
Bà Cụt Thị Huyền ở tại bản Cha Ca 2, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn bên công trình nước sạch phân tán vừa được đầu tư

Nỗ lực gỡ khó

Trước tình hình còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện cũng như giải ngân vốn thuộc Chương trình MTQG 1719, là cơ quan chủ trì, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, trách nhiệm với các sở ngành liên quan để tìm hướng tháo gỡ.

Với những vướng mắc do chưa có quy định về định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; ngày 7/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình 610 gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quyết định quy định định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất.

 Mức đề xuất được đưa ra là, định mức đất ở với dân cư khu vực nông thôn không quá 400m2/hộ và đất bám các trục đường tỉnh lộ, quốc lộ không quá 250m2/hộ. Về định mức bình quân đất sản xuất, thì đất nông nghiệp là 0,3ha/hộ, đất rừng sản xuất 2,5ha/hộ; còn hộ thiếu đất sản xuất là hộ có tổng diện tích đất sản xuất nhỏ hơn 50% tổng diện tích của 1 hoặc 2 loại đất trên cộng lại. Đã có 3/3 sở ngành (Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn), 12/12 huyện liên quan có văn bản góp ý hoặc thống nhất với dự thảo quyết định quy định mức xác định hộ thiếu đất sản xuất.

Truyền thông tuyên truyền PBGDPL về hôn nhân gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cạn huyết thống
Truyền thông tuyên truyền PBGDPL về hôn nhân gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cạn huyết thống

Với những vướng mắc do chưa có quy định về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất cộng đồng để thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 3; ngày 14/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình số 635 gửi UBND tỉnh đề nghị, trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục, ban hành Nghị quyết “Quy định nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719” với các nội dung cụ thể, rõ ràng.

Để Chương trình MTQG 1719 triển khai có hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành chủ trì các dự án như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ trì tiểu dự án 1, Dự án 3); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (chủ trì tiểu dự án 3, Dự án 5); Sở Văn hóa và Thể thao (chủ trì Dự án 6); Sở Y tế (chủ trì Dự án 7 và nội dung trồng cây dược liệu quý); Hội LHPN tỉnh (chủ trì dự án 8); Sở Thông tin và Truyền thông (chủ trì nội dung ứng dụng công nghệ)… và các địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc giải ngân vốn.

Mặt khác, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh việc sửa đổi, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền để ban hành sớm, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện trong thời gian tới. Xem xét bổ sung đối tượng là các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn/bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 1 được hưởng chính sách giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng như các xã KV2, KV3.

Người Ơ Đu ở bản Văng Môn xã Nga My huyện Tương Dương được xác định là nhóm dân tộc rất ít người còn nhiều khó khăn
Người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương được xác định là nhóm dân tộc rất ít người còn nhiều khó khăn

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn nội dung hỗ trợ đối với nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn để triển khai tiểu dự án 1, Dự án 9. Đồng thời, phê duyệt các thôn (không đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 của các xã không thuộc khu vực I, II, III, để có cơ sở thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng như xây dựng, hoạch định các chính sách của địa phương, nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam sớm xem xét, nghiên cứu bổ sung Hướng dẫn số 04 ngày 28/7/2022 theo hướng ghi rõ các nội dung cụ thể trong thiết lập địa chỉ an toàn; hướng dẫn cụ thể mục hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ 4.0; bổ sung mục chi hỗ trợ kinh phí ban đầu cho Tổ truyền thông cộng đồng và ra mắt tổ truyền thông cộng đồng; hướng dẫn cụ thể mục chi Văn phòng phẩm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; hướng dẫn cụ thể việc thành lập Đoàn giám sát và quy định chi tiết các mục chi cụ thể cho nội dung này.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.