Tích cực “đưa thông tin về bản”
Tính đến thời điểm hiện tại, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều loại hình truyền thông, tuyên truyền vận động về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I 2021-2025, tầm nhìn 2030 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng các đơn vị địa phương, mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cơ sở: “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai ở các cấp” (thuộc Dự án 5, Tiểu dự án 4); tổ chức các lớp “Bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín” tại các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng; tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An, Thạch An và cụm xã tại huyện, với 592 lượt người tham dự; tổ chức thành công 6 hội nghị tập huấn công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh (đạt 100% theo kế hoạch).
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Kết quả, số cặp tảo hôn giảm so với năm 2021 (năm 2021 có 258 cặp, năm 2022 có 100 cặp).
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương nhằm tạo chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS; tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học. Đôn đốc các huyện thực hiện tốt các chế độ chính sách cho Người có uy tín.
Theo đó, đến tháng 11/2022, thực hiện cấp báo cho Người có uy tín được 359.562 tờ báo các loại, kinh phí thực hiện 1.131,58 triệu đồng; ở cấp huyện đã tổ chức cung cấp thông tin thời sự 6 cuộc, với 839 đại biểu Người uy tín tham gia.
Hiệu quả mô hình sân khấu hóa
"Vui, dễ nhớ, dễ làm, thu hút được nhiều người tham gia", đó là chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Ban Dân tộc tỉnh với ngành Giáo dục, trước vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang tồn tại dai dẳng tại các vùng rẻo cao trên địa bàn.
Nhận thấy rõ điểm trũng trong công tác tuyên truyền tại các trường học, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với ngành giáo dục, đặc biệt là các trường Dân tộc nội trú để tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, can thiệp, hỗ trợ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tổ chức tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa với các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, thi tiểu phẩm, rung chuông vàng…
Theo kế hoạch, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lạc, tổ chức cuộc thi “Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2022”. Hội thi đã thu hút các cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường hưởng ứng, tham gia sôi nổi. Nội dung cuộc thi xoay quanh kiến thức tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình.
Từ cách làm sáng tạo bằng hình thức sân khấu hóa, cuộc thi đã thực sự mang lại hiệu quả, mọi người xem dễ nhớ, dễ hiểu và nhớ lâu thông qua các nhân vật hùng biện thuyết phục và những tiểu phẩm thú vị, ý nghĩa. Mỗi thí sinh là một tuyên truyền viên bày tỏ thái độ, suy nghĩ nghiêm túc, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã, đang là nỗi đau cho nhiều gia đình, là gánh nặng cho xã hội.
Em Châu Văn Vừ, dân tộc Lô Lô, học sinh lớp 12A3 chia sẻ: Qua Hội thi, chúng em biết được quy định độ tuổi kết hôn, cũng như hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Tảo hôn sẽ hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng, đặc biệt là người phụ nữ; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con cái, con sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh, hay ốm đau, suy dinh dưỡng. Gia đình gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, hay xảy ra mâu thuẫn do thiếu kinh nghiệm sống, thiếu điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe; ít có cơ hội tham gia hoạt động vui chơi, giải trí...
"Sau khi trở về nhà ở xóm Cà Pẻn A, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm), em sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè, bà con xóm không được tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", em Vừ nói.
Khắp sân trường rộn vang tiếng hò reo, cổ vũ trước những tiểu phẩm bi hài, “dở khóc, dở cười” về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết do các “diễn viên không chuyên” thể hiện. Tất cả các tiểu phẩm đều phản ánh chân thực về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, và là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Các đội thi để lại ấn tượng cho người xem bởi lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên cùng cốt truyện hấp dẫn, bối cảnh, trang phục, đạo cụ, âm nhạc được chuẩn bị công phu. Mỗi tiểu phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lê Thị Lan Phương cho biết: Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 396 học sinh, trong đó 73 học sinh dân tộc thiểu số ít người, 44 học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được tuyển thẳng, 87 học sinh hoàn cảnh khó khăn, gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong thời gian qua, nhà trường quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về các chính sách, pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua hội thi, tạo sự lan tỏa đến học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng DTTS; hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu theo Đề án của Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc tiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Đây cũng là sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh trong hoạt động ngoài giờ lên lớp; giúp các em phát huy năng khiếu ca hát, thuyết trình, khả năng diễn xuất và tinh thần đoàn kết, kỹ năng làm việc nhóm.
Theo báo cáo, hiện nay chỉ tính riêng Trường PTDTNT huyện Bảo Lạc có 250 học sinh (dân tộc Tày 77, Lô Lô 87, Nùng 37, Mông 17, Dao 23, Sán Chỉ 7, Quý Châu 2). Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 2 trường hợp tảo hôn (1 học sinh lớp 8 dân tộc Mông bị bắt đi làm dâu tại Hà Quảng, 1 trường hợp đang học lớp 8 đã kết hôn)
Được biết, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 2015/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình MTQG. Trong kế hoạch chỉ rõ, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực, làm đầu mối thống nhất, theo dõi, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Chương trình MTQG. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Theo đó, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng Kế hoạch và tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ của chương trình hằng quý, hằng năm theo quy định, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG về kết quả thực hiện. Chủ trì thực hiện các dự án, Tiểu dự án theo phân công thuộc Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng…